Bài 1: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản
(TN&MT)- Từ khi Luật Khoáng sản 2010 đi vào thực tiễn đã giúp địa phương quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên vật liệu cho việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Khai thác đi vào nề nếp
Quảng Nam là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với gần 45 loại, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao như: vàng, cát, cát trắng, đá xây dựng. Nguồn lợi khoáng sản phong phú một mặt đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý.
Theo ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, quy định pháp luật khoáng sản không bắt buộc phải thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trước khi xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nên hồ sơ, thủ tục tương đối đơn giản, thời gian thực hiện và giải quyết hồ sơ, thủ tục tương đối ngắn, do đó số lượng Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp tại địa phương tương đối nhiều.
Trong khi đó, đặc điểm của địa phương là các loại khoáng sản phân bố phân tán trên diện rộng, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, nơi có địa hình hiểm trở, không tập trung nên khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, môt số doanh nghiệp cũng lợi dụng những “kẻ hở” trong thi hành pháp luật để trục lợi.
Từ khi Luật Khoáng sản 2010 đi vào thực tiễn đã tạo hành lang pháp luật để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất là đã nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các đảng viên, cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nhân dân đã có sự tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, giám sát việc thi hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản 2010 đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản (kể cả trái phép lẫn có phép), khởi tố 10 vụ với 23 bị can, qua đó góp phần cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp được cấp phép và khai thác khoáng sản trái phép đã giảm đáng kể, không còn điểm nóng.
Đặc biệt, hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép đã tận dụng và khai thác được tiềm năng khoáng sản của địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu cho phát triển kinh tế – xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thiểu khai thác khoáng sản trái phép,…
Thêm công cụ quản lý cho địa phương
Huyện miền núi Phước Sơn có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là khoáng sản vàng phân bố nhỏ, lẻ với 8 khu vực quy hoạch khai thác phân bố trên địa bàn 6 xã với tổng diện tích là 150ha. Theo ông Võ Văn Hiếu – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn, từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành và thực hiện các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh và Sở TN&MT tỉnh, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường (BVMT), đồng thời ban hành nhiều các văn bản kiểm tra, giám sát của HĐND, tăng cường quản lý, phối hợp chốt chặn, đôn đốc thực hiện các nghĩa vụ,… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hoạt động khoáng sản.
Thông qua việc tuyên truyền, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật, nhân dân đã có sự tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng như BVMT. Đối với việc kiểm tra, giám sát đã có những chấn chỉnh kịp thời các trường hợp sai phạm nhằm từng bước đưa công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Theo ông Võ Ngọc Tốt – Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện có 13 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp. Các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản đã lập bản cam kết trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản, cam kết về lắp đặt camera giám sát (dữ liệu đầu ghi lưu trữ phải đảm bảo thời gian ít nhất 45 ngày kể từ khi kiểm tra) và trạm cân, đồng thời cung cấp đường truyền, dữ liệu cho UBND huyện và cơ quan chức năng và địa phương nơi có mỏ khoáng sản.
Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và quản lý khoáng sản sau cấp phép luôn được UBND huyện Đại Lộc chú trọng, chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, gần đây có thực trạng cát, sỏi lên giá do thiếu nguồn cung, UBND huyện đã trực tiếp chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với địa phương nơi có mỏ, kiểm tra thực tế và làm việc với các doanh nghiệp, đề nghị đưa mỏ vào hoạt động nhằm bình ổn giá, góp phần lớn trong việc cung cấp nguồn cát, sỏi cho thị trường, đưa giá cát, sỏi bán tại mỏ của các doanh nghiệo về một giá theo quy định của UBND tỉnh.
“Mới đây địa phương đã kịp thời chấn chỉnh và đình chỉ hoạt động của 1 doanh nghiệp vi phạm trong khai thác sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đây là biện pháp nhằm răn đe, cảnh tỉnh các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”- ông Tốt thông tin.
Ghi nhận công tác bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tại các địa phương Núi Thành, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Nam Giang, Phước Sơn (Quảng Nam)… như mỏ đá Núi Trà, Đông Hòa Vân, Chu Lai, Hưng Long (Núi Thành); Đại Hưng, Nông Lâm Đất Việt, Quang Cử, An Lộc Viên (Đại Lộc); mỏ đá Khe rọm của công ty CP Bóng đá FUTSAL (Nam Giang); các mỏ Hố Hữu, Thiên An Khương, Quảng Phú, Hood chứa nước Lộc Đại (Quế Sơn)… và đa số mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phước Sơn cơ bản tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, khai thác khoáng sản đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường. Song bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động khai thác và quản lý khoáng sản tại Quảng Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, tồn tại gây cản trở, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản cần được khắc phục, tháo gỡ.
Từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 75 tổ chức, đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 60 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về lĩnh vực TN&MT trong hoạt động khai thác khoáng sản, với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, buộc các đơn vị vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ khai thác khoáng sản là 1,42 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 1 đơn vị.
Kỳ 2: Nhận diện những bất cập