“Hết sức chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm” là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối với công tác Ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Tập đoàn công nghệ Nvidia tại thung lũng Silicon (California) trong chuyến công tác Mỹ ngày 18/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
6 trọng tâm chính
Tại Hội nghị Hội nghị triển khai công tác NGKT năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế – xã hội diễn ra tuần trước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, phát huy các thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo cơ hội mới để phát triển và nâng cao uy tín, vị thế đất nước đã đạt được trong năm 2023, công tác đối ngoại và NGKT tiếp tục đóng góp vào các thành tựu chung của đất nước.
Riêng trong tháng 1/2024, Việt Nam đã tổ chức thành công, hiệu quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và thăm chính thức Hungary, Romania; đón 5 đoàn cấp cao (các đoàn Tổng thống Đức, Indonesia, Philippines, Thủ tướng Lào và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria), với nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết, được Lãnh đạo cấp cao đánh giá cao.
Bộ trưởng thông tin rằng, Chính phủ xác định, 2024 là năm đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định để tăng tốc, tạo bứt phá trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, hướng tới Đại hội lần thứ XIV.
Với chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Chính phủ đề nghị công tác NGKT năm 2024 phải tập trung khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (trí tuệ nhân tạo – AI, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn), làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (mở rộng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư) phục vụ 3 đột phá chiến lược.
Bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo NGKT cho hay, năm nay, công tác NGKT sẽ triển khai bằng phương châm “một tinh thần mới, một tư duy mới, một phương pháp luận mới, một cách tiếp cận mới, qua đó thúc đẩy kinh tế”.
Công tác NGKT sẽ tập trung vào 6 trọng tâm chính là cụ thể hoá các cam kết với đối tác quốc tế; xác định nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng truyền thống; phát triển các động lực tăng trưởng mới; NGKT hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; thu hút các nguồn lực trong các cơ chế đa phương tiện; công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại Hà Nội ngày 22/2. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thời điểm vàng hợp tác công nghệ với Mỹ
Chia sẻ về công tác NGKT từ đầu cầu thủ đô Washington D.C, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng vui mừng thông báo rằng, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo đột phá, đem lại chuyển biến tích cực cho hợp tác về công nghệ cao nói chung và chất bán dẫn, AI nói riêng.
Đại sứ thông tin, thời gian qua, các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ. Minh chứng là việc cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đã tới Việt Nam để tìm hiểu và khảo sát thị trường. Ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia bày tỏ mong muốn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của Nvidia.
Hay mới nhất, tháng 1/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez đã thăm Việt Nam và báo tin, 15 công ty năng lượng và công nghệ đang quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam, với số vốn lên tới 8 tỷ USD.
Về phía Việt Nam, theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động của doanh nghiệp và địa phương đã tạo nên sức hấp dẫn sôi động trong hợp tác với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhận thấy, vẫn có những khó khăn, trở ngại. Việt Nam hiện chưa có chiến lược phát triển ngành bán dẫn và AI. Đây là điều doanh nghiệp nước ngoài cần để có cơ sở xây dựng và đầu tư dài hạn. Việt Nam cũng thiếu cơ quan một cửa về công nghệ cao, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm hiểu thông tin và làm các thủ tục cần thiết.
Song song với đó, Việt Nam chưa tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin để có mặt bằng chung về thuế trong lĩnh vực công nghệ, trong khi nhiều nước đã tham gia thỏa thuận này. Hạ tầng, nhân lực bán dẫn và AI cũng là một vấn đề mà Việt Nam còn yếu và thiếu.
Đánh giá năm 2024 là “cơ hội vàng” để Việt Nam tạo đột phá trong hợp tác bán dẫn và AI với Mỹ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, “cần có sự thống nhất cao từ Chính phủ đến các cấp bộ, ngành, địa phương trong phát triển bán dẫn và AI; cần có sự nhất quán về nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực; sớm hoàn thành chiến lược ngành bán dẫn và kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; cân nhắc chế độ đặc biệt cho doanh nghiệp công nghệ bán dẫn Mỹ”.
Chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp
Lào là đối tác kinh tế đặc biệt của Việt Nam và có tiềm năng lớn để đóng góp vào tăng trưởng đất nước song hợp tác giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng. Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nhận định, lý do chính là “doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi kinh doanh, đầu tư tại Lào. Bởi vậy, Đại sứ quán xác định, NGKT là nhiệm vụ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tương lai”.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã chủ động trong các chuyến thăm cấp cao; chủ động mời Lãnh đạo các bộ, ngành của Lào đến Đại sứ quán làm việc để trao đổi sâu về các cơ hội hợp tác; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho những dự án cụ thể quan trọng; chủ động tiếp cận các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại Lào.
“Tôi kỳ vọng, 2 năm tới, khi các dự án lớn của Việt Nam chính thức hoạt động tại Lào, đầu tư của Việt Nam tại đất nước láng giềng không dừng lại ở con số hơn 5 tỷ nữa. Để tăng cường hơn nữa hợp tác, hai bên cần điều chỉnh các Hiệp định thương mại đã có; sớm tạo đột phá trong quan hệ kinh tế giữa hai nước và nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đề xuất.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Còn với Đan Mạch, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị thông tin, Đan Mạch luôn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ phát triển năng lượng tái tạo. Phía doanh nghiệp Đan Mạch đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam các hợp đồng về cung ứng vật tư, xây dựng kết cấu móng, giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Trong quá trình phối hợp với nước bạn, Đại sứ Lương Thanh Nghị nhận thấy một số hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác NGKT, Đại sứ kiến nghị, Việt Nam và Đan Mạch cần thiết lập đầu mối thường xuyên rà soát các lĩnh vực hợp tác; cần thành lập ủy ban liên chính phủ về kinh tế, đầu tư, thương mại và khoa học công nghệ; phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành.
3 nhóm nhiệm vụ cụ thể
Hoan nghênh các đề xuất, các “đơn đặt hàng” của các Đại sứ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ cụ thể của công tác NGKT trong năm nay, đó là:
Thứ nhất, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin dự báo.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác NGKT và vai trò điều phối của Ban chỉ đạo NGKT.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng đề xuất chú trọng nội dung như: Tập trung phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống để mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư chất lượng cao; Rà soát, đôn đốc, triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế trong các hoạt động đối ngoại; Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế.
Đồng thời, đưa các hoạt động NGKT gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp; Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc quán triệt, rà soát, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của Bộ về công tác NGKT…
Bộ trưởng mong muốn, các thủ trưởng đơn vị, Trưởng cơ quan đại diện bám sát các chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn trong nước của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, tập trung vào huy động nguồn lực của toàn đơn vị và Cơ quan đại diện trong huy động nguồn lực phục vụ 3 đột phá chiến lược, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Từ đó, đưa NGKT thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhận định nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đối ngoại nói chung, NGKT nói riêng trong thời gian tới sẽ nặng nề, khó khăn và vất vả hơn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm để có thể hoàn thành nhiệm vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao.