Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò của ngoại giao kinh tế trong việc đạt mục tiêu năm 2030: Việt Nam là nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Hải Nguyễn
Động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau COVID-19
Trao đổi với báo giới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoại giao kinh tế đã trở thành một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao và nội dung kinh tế đã trở thành một trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại các cấp, các ngành với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ. Các hoạt động ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại đã thực sự tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sau COVID-19 đến nay.
Nếu nhìn lại bài học của các nước đi trước, của các “con rồng, con hổ” châu Á thì trong kỷ nguyên vươn mình, trọng tâm của ngoại giao kinh tế là làm thế nào đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới, qua đó mở rộng không gian phát triển và kiến tạo những cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước.
Nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới
Thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học công nghệ… để bứt phá. Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu gần đây.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, để tận dụng tốt những thời cơ này, cần nhận thức sâu sắc rằng để đi vào kỷ nguyên mới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn.
Để làm được điều đó, một mặt ngoại giao kinh tế sẽ phải tiếp tục tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, du lịch… Theo đó khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại, đầu tư hiện có, nhất là những thị trường, lĩnh vực còn chưa được khai thác; khai mở các nguồn đầu tư, tài chính mới, nhất là những nguồn lực từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn; giải quyết những dự án lớn tồn đọng, từ đó tạo đòn bẩy thu hút dự án mới; tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai các cam kết thỏa thuận quốc tế…
Mặt khác, để tạo đột phá thì cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đột phá vào những lĩnh vực mới như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh và chỉ đạo. Do đó trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian qua và tới đây sẽ là nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tạo lập được sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, bao gồm cả các quốc gia và doanh nghiệp, trong các lĩnh vực mang tính đột phá như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, lượng tử.
Các thỏa thuận hợp tác với NVIDIA và các tập đoàn công nghệ số gần đây là một ví dụ; xác lập vị thế trong chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất đang định hình, biến Việt Nam thành một mắt xích bền vững, có vị trí ngày càng cao; thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chuyên sâu, chuyên ngành như ngoại giao công nghệ, ngoại giao khí hậu, ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao hạ tầng, ngoại giao kinh tế số…
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/ngoai-giao-kinh-te-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-1444553.ldo