Ngày 25/7, tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam – Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Khai mạc Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam – Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày 26/7 tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. (Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) |
Gần 100 hợp tác xã dược liệu tại 63 tỉnh thành Việt Nam đã tham gia trưng bày các tinh hoa thảo dược, làm thành con đường Dược liệu Việt, Kho báu xanh. Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Agirbank, Viện Dược liệu, Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số hợp tác chiến lược đồng hành cùng bà con nông dân hợp tác xã phát triển các giống gen quý thảo dược, đào tạo kỹ thuật công nghệ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và hỗ trợ vay vốn để mở rộng vùng nguyên liệu, bảo tồn các giống dược liệu quý hiếm của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham dự Hội thảo “Kinh tế dược liệu Việt Nam- Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về dược liệu và lĩnh vực kinh tế tập thể đã chia sẻ các tham luận về Kinh tế thảo dược ở Việt Nam – Thực trạng và những vẫn đề đặt ra; Bảo tồn và phát triển dược liệu tại Việt Nam; Cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho vùng trồng dược liệu và thúc đấy xúc tiến đầu tư bền vững vào sản phẩm dược liệu…
Các diễn giả của chương trình đã đưa ra những chủ đề trao đổi với tâm huyết đồng hành cùng bà con nông dân trong trồng, chăm sóc thảo dược, phát triển nguồn dược liệu của Việt Nam trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Ngoài các hoạt động tham luận, Tọa đàm, trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra Triển lãm Con đường dược liệu Việt Nam trưng bày nhiều loại dược liệu quý đang trồng và sản xuất tại các địa phương. Cùng với đó là và các phiên giao thương, kết nối xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp mua và bán để cùng lan tỏa sản phẩm dược phẩm Việt Nam.
Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số, Viện Dược liệu đã ký kết hợp tác chiến lược đồng hành với các hợp tác xã dược liệu Việt Nam như Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung, Trung tâm chăm sóc sức khỏe y học cổ truyền Bảo Minh Đường, Công ty OCASY, VINANUTRIFOOD, Công ty Cổ phần Lâm dược Ngọc Linh tìm kiếm khách hàng và kết nối giao thương quảng bá sản phẩm cho các hợp tác xã dược liệu Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham quan các gian hàng sản phẩm dược liệu tại Diễn đàn. (Nguồn: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) |
Theo Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao.
Đồng thời, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự. Nhà nước cũng sẽ ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Về thị trường xuất khẩu dược liệu, thống kê của Hải quan Nhật Bản cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản lên tới 8,6 triệu USD. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, tiềm năng cho dược liệu Việt Nam ở Nhật Bản – nước tiêu thụ dược phẩm lớn thứ hai thế giới – vẫn còn rất lớn, nhất là khi thời gian gần đây, nhiều công ty dược phẩm của Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu dược liệu của Việt Nam.