Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Nông Thị Hà, Thứ trưởng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Đại biểu quốc tế, bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc Unesco về Khoa học Tự nhiên; ông Nickolas Zouro, Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; ông Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Điều phối viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu ý kiến. |
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chia sẻ, với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất” cùng nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực, hội nghị lần này hướng tới tìm ra nhiều giải pháp hữu ích trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản hướng tới phát triển bền vững.
Để hội nghị lần thứ 8 thành công tốt đẹp, đồng chí Hoàng Xuân Ánh đề nghị, các đại biểu, các thành viên Mạng lưới Công viên địa chất cùng tập trung trí tuệ tập thể, trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển Công viên địa chất.
Từ đó, cùng tìm ra những giải pháp cho những thách thức toàn cầu đang đặt ra hiện nay, đặc biệt là tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương, chủ thể của các Công viên địa chất trong các hoạt động bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị Công viên địa chất vì một cộng động phát triển bền vững.
Các đại biểu dự lễ khai mạc. |
Cảm ơn tỉnh Cao Bằng đã đón tiếp nồng hậu các đại biểu và tổ chức chu đáo hội nghị, ông Nickolas Zouro, Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu nhấn mạnh, những thách thức từ biến đổi khí hậu đang đòi hỏi chúng ta cần tư duy mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, nguy cơ thiên tai.
Từ đó, nâng cao năng lực của cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu, tạo nên một thế giới an toàn hơn.
Ông Nickolas Zouro đề nghị, với tinh thần thấu hiểu, hữu nghị,kết nối các đại biểu dự hội nghị cùng trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm mới trong bảo tồn, phát huy giá trị các Công viên địa chất.
Chia sẻ những mất mát do bão Yagi gây ra ở khu vực phía bắc và tỉnh Cao Bằng nói riêng, bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh, tác động của biến đổi khí hậu không chừa một ai, chúng ta cần nỗ lực chung, bền bỉ mới giảm được tác động, thiệt hại của biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh mục đích của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu là kết nối, đoàn kết qua những cam kết bảo vệ di sản, phát triển bền vững, bà Lidia Brito đề nghị các đại biểu dự hội nghị tăng cường giao lưu, trao đổi tri thức, kinh nghiệm bảo vệ cảnh quan, di sản, bản sắc văn hóa trong khu vực Công viên địa chất, phát triển bền vững.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ những mất mát, đau thương người dân phía bắc và tỉnh Cao Bằng nói riêng do bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Đồng chí đề nghị các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu dự hội nghị. |
Đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đang gặp một số thách thức, khó khăn, các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu chính là một “lời giải” cho vấn đề toàn cầu này.
Với tinh thần đó, đồng chí Bùi Thanh Sơn đề nghị hội nghị thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới, như xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững. Trong đó, các đại biểu cần thảo luận về lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững vào chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của cộng đồng; đồng thời gắn bảo tồn, quản lý công viên địa chất với chính sách phát triển bền vững.
Các bên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cần thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững.
Các bên cũng cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trở thành một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi trông đợi Tuyên bố Cao Bằng sẽ là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm “Chương trình Công viên địa chất toàn cầu” của UNESCO (2015-2025)”.
Gian hàng giới thiệu bản sắc văn hóa, sản phẩm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. |
Trong chương trình hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương có các Phiên hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát triển bền vững các Công viên địa chất; các gian hàng quảng bá sản phẩm, bản sắc văn hóa tại các Công viên địa chất.
Ngày 15/9, hội nghị sẽ bế mạc.
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-mac-hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-8-mang-luoi-cong-vien-dia-chat-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-post830376.html