Tăng tốc đón khách quốc tế
Nếu đà tăng trưởng như nói trên tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi như thời hoàng kim năm 2019 của ngành du lịch là hoàn toàn trong tầm tay.
Đáng chú ý, bên cạnh Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844.000 lượt (chiếm 27,7%) thì lượng khách đến từ Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Con số 538.000 lượt khách đã đưa Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng những thị trường gửi khách lớn nhất tới VN trong 2 tháng đầu năm nay. Đây được coi là những tín hiệu cực kỳ đáng mừng bởi phải đến trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Trung Quốc mới thật sự mở cửa du lịch, gỡ bỏ những rào cản để người dân thoải mái đi du lịch nước ngoài.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đã đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn một nửa là khách Trung Quốc. Từ ngày 29 đến mùng 3 tết, khoảng 40.000 lượt khách làm thủ tục xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và hơn 10.000 khách nội địa đăng ký lưu trú. Trong số này, hơn 20.000 người là khách Trung Quốc sang VN tham quan, du lịch.
Tương tự, nếu dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ có một vài chuyến bay đưa khách Trung đến Khánh Hòa, sau đó ngưng hẳn vì dịch bệnh và chính sách du lịch theo đoàn của Trung Quốc, thì dịp Tết Giáp Thìn này, lượng khách Trung Quốc đang đến và đăng ký đến du lịch Nha Trang – Khánh Hòa tăng vọt. Tính từ ngày 6 – 15.2, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đón khoảng 150.000 lượt khách quốc tế với hơn 850 chuyến bay và dẫn đầu cũng là khách Trung Quốc với 430 chuyến, khoảng 60.000 lượt khách, tương đương 21 chuyến bay/ngày.
Cùng với Trung Quốc, khách Nga – một trong những dòng “khách ruột” lớn nhất của VN – cũng đang trở lại đầy sôi động sau thời gian vắng bóng bởi ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine. Trong hai ngày liên tiếp 24 – 25.10.2023, hai chuyến bay quá cảnh ở Taraz đưa 427 khách du lịch Nga đến Phú Quốc đánh dấu cột mốc quan trọng khi các đường bay Đông Âu và Trung Á được mở lại.
Từ đó đến nay, khách Nga luôn nằm trong danh sách top thị trường hàng đầu của đảo ngọc. Nhiều khách sạn từ 4 sao trở lên tại Phú Quốc cho biết công suất phòng trong dịp Tết Nguyên đán đạt từ 90% trở lên, đa phần là khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ba Lan và Nga. Đến hết tháng 2, lượng khách Nga đã ghi nhận tăng tới gần 59%, và VN nằm trong 10 điểm đến được quan tâm nhất của khách du lịch Nga trong tháng 2, theo báo cáo của Hiệp hội Lữ hành Nga (ATOR). Mới đây, Hãng hàng không Aeroflot (Nga) chính thức khai thác thử nghiệm đường bay thẳng Moscow – TP.HCM càng mang theo hy vọng lượng du khách Nga đến thăm VN sẽ tăng nhanh trong năm nay.
Cải thiện chi tiêu của du khách
Mặc dù ghi nhận những tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, song các doanh nghiệp (DN) du lịch cho rằng “công cuộc” phục hồi thị trường khách inbound vẫn còn rất nhiều thách thức. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing TST Tourist, nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường khách lớn nhất của VN và rất khó thay thế. Mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, thậm chí mau chóng đạt tới 20 triệu lượt khách trong năm 2024 phụ thuộc không nhỏ vào dòng khách này.
Trước dịch, mỗi tuần các hãng hàng không của chúng ta khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc. Trong số 18 triệu lượt khách quốc tế đến VN năm 2019 thì có tới khoảng 6 triệu lượt khách Trung Quốc, hầu hết đi theo các chuyến charter tới Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long. Mỗi ngày, các tỉnh miền Trung có thể đón khoảng 50 – 70 chuyến charter đưa khách Trung Quốc tới. Nếu so với giai đoạn trước dịch, lượng khách Trung Quốc đến VN hiện nay vẫn “chưa thấm vào đâu”. Còn so với các nước như Thái Lan, Singapore thì tốc độ phục hồi của chúng ta khá chậm.
Theo ông Mẫn, nếu năm 2023, xu hướng du lịch của khách Trung Quốc còn khó đoán, dự báo chưa chuẩn xác thì tình hình năm 2024 đã sáng tỏ hơn nhiều. Thị trường tỉ dân đã bắt đầu dịch chuyển và các nước như Thái Lan, Singapore cũng nhanh chóng tung những chính sách mạnh mẽ nhằm đón đầu dòng khách khổng lồ này. Mới đây, Trung Quốc và Singapore đã thông qua miễn thị thực song phương. Thái Lan cũng đang trông cậy vào lượng khách du lịch từ Trung Quốc và không ngần ngại miễn visa cho thị trường này để đạt được mục tiêu có ít nhất 30 triệu du khách Trung Quốc năm 2024, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch vượt mốc trước dịch Covid-19.
“Các nước đã bắt đầu hành động, chúng ta không thể đứng im để tiếp tục bỏ lỡ cơ hội. VN cũng nên thí điểm triển khai chính sách miễn thị thực cho khách Trung Quốc và một số thị trường khách tiềm năng mà các DN, hiệp hội du lịch đã nhiều lần đề xuất. Nếu thành công, VN tiến thêm bước quan trọng trong công cuộc mở visa, thực hiện mục tiêu đón 18 – 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024”, đại diện TST Tourist kiến nghị.
Trong khi đó, cũng có ý kiến không cần quá lo lắng về số lượng khách quốc tế đến VN trong năm nay vì như ông Thái Doãn Hồng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Công Đoàn) nhận định, VN đang có khá nhiều lợi thế. Những cải thiện về chính sách thị thực và sự đa dạng hóa sản phẩm từ tất cả địa phương đã đưa nhiều điểm đến của chúng ta liên tục vào top đầu các điểm du lịch hấp dẫn trên trường quốc tế, thu hút sự chú ý của nhiều đối tượng khách ngoại.
Đặc biệt, sự thay đổi trong nhận thức, hướng đến du lịch bền vững, ổn định của hầu hết cấu phần trong hệ sinh thái du lịch đã được triển khai rất tốt, không còn tình trạng khách sạn, nhà hàng ồ ạt “tranh thủ” mùa vụ để tăng giá, làm ăn chộp giật. Điều này giúp giá cả du lịch VN khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, bên cạnh dòng khách truyền thống từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, cái tên VN cũng đang khẳng định thương hiệu rất tốt trong mắt khách Ấn Độ, Úc, Mỹ, Tây Âu…
Song điều khiến ông Thái Doãn Hồng quan tâm nhiều hơn là chất lượng, thể hiện qua sức chi tiêu của du khách. Quan sát từ giai đoạn năm 2023 đến nay, ông Hồng nhận thấy chi tiêu của du khách sụt giảm khá nhiều. Các hướng dẫn viên du lịch inbound cũng xác nhận du khách đã hạn chế khá nhiều trong việc chi tiêu. Tình hình kinh tế khó khăn, khách có cơ hội vẫn đi du lịch, vẫn ăn uống, mua sắm quà lưu niệm nhưng không còn mạnh tay như trước mà có phần “chắt bóp” hơn.
“Những vấn đề liên quan đến chính sách visa hay sản phẩm chúng ta có thể chủ động ứng biến, còn vấn đề thu nhập hạn chế của du khách thì rất khó để tác động. Do đó, để cải thiện khả năng chi tiêu của du khách, cần lưu ý cải thiện chất lượng các thức quà, hàng lưu niệm. Khi đạt chuẩn OCOP chất lượng cao, sản phẩm địa phương sẽ được tiêu thụ khá hơn. Cùng với đó, đa dạng trải nghiệm, dịch vụ, sản phẩm để du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn”, ông Thái Doãn Hồng nêu ý kiến.
Bên cạnh các luồng khách truyền thống khu vực Đông Nam Á, Bắc Á tăng tốc mạnh mẽ, các thị trường ở châu Âu cũng đều tăng trưởng sôi động, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh (tăng 32,6%), Pháp (tăng 34,6%), Đức (tăng 37,1%), Ý (tăng 82,3%), Tây Ban Nha (tăng 48,5%)…