Không mấy xa lạ, đó là quán súp cua của cô Lan (62 tuổi, tên thật là Giang Thị Hường), một người phụ nữ gốc Hoa nổi tiếng nấu ăn ngon.
“Không mắc!”
Chiều chiều những ngày cuối năm, tiết trời TP.HCM se se lạnh. Với thời tiết này, còn gì bằng khi được sì sụp một tô súp cua nóng hôi hổi. Tôi ghé quán của cô Lan, nằm trên đường Lương Nhữ Học (Q.5), quán “ruột” nhiều năm nay.
Thời điểm này, mới đầu giờ chiều nên quán còn chưa quá đông, khách đều đặn từng lượt tới ăn tại chỗ cũng như mua mang đi. Tranh thủ thời gian, bà chủ tâm sự về quán ăn, mà cô đã dành suốt 30 năm cuộc đời gắn bó.
Hồi đó, cô Lan làm nội trợ trong nhà, ngày ngày đưa đón con đi học. Cô kể, các con cô mê món súp cua, thường bắt mẹ nấu hoặc mỗi lần đi học về đều đòi mẹ ghé những hàng quán ven đường mua ăn.
“Có lần, con tôi nói mẹ bán súp cua đi. Thấy khu vực này hồi xưa ít người bán, nhà tôi cũng không mấy khá giả, sẵn mình cũng biết nấu món này nên quyết định mở bán thử. Vậy là năm 1993, bà bắt đầu bán súp cua dạo ở khu vực Chợ Lớn này, hằng ngày, các con cũng được ăn món khoái khẩu mà mẹ nấu”, bà chủ kể lại.
Thời đó, cô nói mỗi phần súp cua giá 1.000 đồng, 2.000 đồng… phần đặc biệt thì giá cao hơn một chút. Nhưng vì hương vị ngon, tiếng lành đồn xa nên cô được khách ghé ủng hộ đông đúc, nhất là các học sinh gần đây. Dần dà, việc buôn bán ăn nên làm ra, cô cũng bắt đầu thuê mặt bằng rộng rãi hơn để bán cố định, thay vì bán dạo ngoài đường.
Ở đây, phần súp đặc biệt có giá 96.000 đồng.
[CLIP]: Quán súp cua mắc nhất gần 100.000 đồng/tô ở TP.HCM có gì mà khách ‘mê’ 30 năm?
Chỉ vào mặt bằng rộng rãi, khang trang hiện tại, bà chủ cho biết đã bán ở đây hơn 10 năm, là nhà của người quen. Thời điểm hiện tại, cô Lan bán súp cua phần rẻ nhất giá 46.000 đồng, mắc nhất là phần đặc biệt có giá 96.000 đồng. Riêng với học sinh, cô nói ai mua phần 30.000 đồng, 20.000 đồng, cô cũng bán.
Bà chủ giới thiệu với mức giá này, không mắc, khi phần đặc biệt có nhiều cua, bóng cá, trứng cút, trứng bắc thảo, nấm… đúng với câu “tiền nào của nấy”. Cô Lan tâm sự điều đặc biệt nhất trong tô súp cua của quán chính là phần bong bóng cá đặc biệt mà cô mua “hàng tuyển”. Khi ăn, khách sẽ cảm nhận được sự khác biệt so với những hàng quán khác. Thêm vào đó, bí quyết nêm nếm của riêng cô Lan cũng là điều làm nên sức hút của quán ăn này.
Mẹ truyền con nối
Với tôi, đúng như lời giới thiệu của cô Lan, hương vị súp cua ở đây đậm đà. Cái “ăn tiền” chính là những thành phần chất lượng trong tô súp cua như cua, bong bóng cá dai, thơm, mềm, béo béo lạ miệng. Với tôi, phần súp ở đây xứng đáng đạt điểm 8.5/10, xét tổng quan về hương vị và giá cả.
Là khách ruột ở đây cũng hơn 10 năm, ông Trần Hoàng (45 tuổi, ngụ Q.5) cho biết mỗi lần thèm súp cua hay món gì ăn không quá no, là ông lại ghé đây. Vị khách nhận xét hương vị đậm đà cũng như sự tươi ngon của nguyên liệu khiến tô súp xứng đáng với giá tiền.
“Tôi thường ăn tô thường, hoặc tô có nhiều bóng cá. Hôm nào mới lãnh lương thì ăn tô đặc biệt. Thường tuần nào cũng ghé ăn 2 – 3 lần, vì quán bán từ 10 giờ sáng tới 6 giờ chiều nên phù hợp để ăn trưa, ăn xế vì tôi làm cũng gần đây”, vị khách cười nói.
Anh Trí (34 tuổi), là con trai cô Lan tâm sự từ năm anh 4 tuổi mẹ đã bán súp cua. Tuổi thơ của anh là những ngày đi học về rồi phụ mẹ bán. Với anh, nhờ quán ăn này mà cha mẹ nuôi 2 chị em anh khôn lớn, trưởng thành như hiện tại.
Chị anh lập gia đình, có cuộc sống riêng. Anh Trí thì vẫn phụ mẹ bán súp hơn chục năm nay, quyết tâm gắn bó, kế thừa cái nghề của mẹ. Mỗi ngày, anh hạnh phúc khi cùng mẹ đứng bán và tiếp những vị khách quen thuộc.
Cô Lan thì hãnh diện, nói rằng nhiều khách ăn từ xưa, lúc còn đi học nhỏ xíu, nay có con rồi cũng ghé lại cùng gia đình. Có người định cư ở nước ngoài, khi hồi hương vẫn nhớ mà tìm tới hương vị súp của cô Lan.
“Năm 2014, tôi bị bệnh ung thư vú, phải cắt bỏ một bên. Lúc đó, nghỉ bán cũng gần 1 năm. Khách hỏi thăm mình, mình cũng nhớ khách nên vừa khỏe là bán lại. Ai ngờ bán lại còn đông hơn. Đó chính là động lực để tôi bán tới khi nào không còn sức bán nữa thì thôi…”, bà chủ tâm sự.