Nhờ các điều khoản ‘mập mờ’ trong hợp đồng, nhiều đại lý vẫn ung dung, bình thản dù chậm trễ giao xe, mặc kệ khách hàng sốt ruột hàng tháng trời.
Lỡ xuống tiền cọc, khổ sở vì chờ đại lý giao xe
Anh N.T. – ngụ Bình Thạnh, TP.HCM – cho hay đầu tháng 7-2024, anh đặt cọc 30 triệu đồng để lấy một chiếc xe giá 1,1 tỉ đồng. Nhân viên bán hàng cam kết khách sẽ nhận xe trong vài tuần nếu thanh toán bằng tiền mặt hoặc 2 – 3 tuần nếu qua ngân hàng. Nhân viên còn dẫn anh đến bãi xem xe, khẳng định cứ đặt cọc, chắc chắn có xe.
Cuối tháng 10-2024, sau nhiều lần liên hệ với đại lý, anh N.T. chỉ nhận được các câu trả lời như “chưa có giấy tờ xuất xưởng”, “xe chưa về kho” hay “đợi thêm vài tuần nữa”. “Tôi đi mua xe mà cứ như đi xin, suốt ngày phải năn nỉ. Ba tháng qua, xe thì không thấy đâu mà đại lý vẫn giữ tiền cọc”, anh bức xúc.
Quá mệt mỏi, anh yêu cầu hoàn lại tiền cọc. Đại lý cam kết sẽ hoàn lại trong vòng 15 ngày, song đến ngày thứ 20 anh vẫn không thấy tiền về tài khoản.
Tương tự, anh L. chia sẻ dù cọc tiền mua một chiếc xe sang, nhưng đại lý báo chưa có xe, khách “cân nhắc” trả thêm tiền để lấy phiên bản khác giá cao hơn, không thì chờ sang năm 2025.
Đại lý viện lý do “bất khả kháng” trong hợp đồng. “Bất khả kháng” có thể là thiên tai, hỏa hoạn, nhưng cũng có thể do hãng chưa có đủ xe do nhu cầu mua lớn, từ đó mời chào khách mua xe phiên bản cao hơn để nhận xe nhanh.
Đây cũng là trường hợp anh M.K. – trú Hà Nội – gặp phải khi đặt mua một chiếc SUV giá khoảng 570 triệu đồng tại Công ty CP quốc tế V.H. có địa chỉ ở quận Hoàng Mai.
Cụ thể, anh cọc tiền lấy xe vào ngày 26-8 và thống nhất lấy xe trong tháng 9-2024. Sau khi ký, nhân viên báo rằng xe có thể được giao vào ngày 14-9.
Chưa kịp mừng, người bán xe gọi điện thông báo khả năng không có xe phiên bản cam kết trong hợp đồng, đề nghị anh sang phiên bản giá cao hơn, hứa sẽ có chính sách giảm giá, ưu đãi.
“Thực tế, họ vẫn có xe phiên bản tôi đã đặt mua trong hợp đồng nhưng viện cớ nhiều khách đặt chưa thể giao xe. Đại lý có chính sách tăng giá từ tháng 9, vì thế không thể bán với giá đã cam kết trong hợp đồng đã ký trong tháng 8. Điều này là vô lý”, anh K. cho hay.
Qua sự việc, anh thấy công ty bán xe lợi dụng sơ hở của khách hàng, cố tình đưa vào hợp đồng những điều khoản mâu thuẫn, bất công.
Đó là hợp đồng ký ngày 26-8-2024, thống nhất giao xe tháng 9-2024, song hiệu lực hợp đồng chỉ có giá trị đến hết ngày 31-8-2024. Hợp đồng cũng chỉ quy trách nhiệm bồi thường nếu khách hàng không thực hiện đúng cam kết, thiếu điều khoản trách nhiệm của công ty khi vi phạm.
Người mua xe cần lưu ý gì tránh “bẫy” hợp đồng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty CP quốc tế V.H. cho biết tất cả hãng đều có chính sách giá theo từng tháng. Như vậy, giá mua xe áp dụng hết tháng 8-2024 và hợp đồng ghi rõ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-8-2024.
Về việc chưa giao xe trong tháng 8, vị đại diện nói do hãng chưa cung ứng đủ sản phẩm, công ty báo với khách sẽ giao xe trong tháng 9. Khi đó, anh M.K. phải thực hiện giao kết mới. Công ty đưa ra hai phương án, một là khách lấy xe với giá của tháng 9-2024 hoặc gợi ý lựa chọn khác.
Với nội dung hợp đồng, đại diện Công ty CP quốc tế V.H. nêu rõ văn bản ghi đầy đủ thời hạn, hiệu lực, điều khoản giao xe, không ép buộc khách phải ký kết. Do hai bên không thống nhất được nên tháng 10-2024, công ty đã hoàn trả đủ tiền cọc cho khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) lưu ý khách hàng mua xe phải đọc kỹ nội dung cam kết, nhất là ngày giờ, tiền cọc… Người mua cần phân biệt rõ mình đang ký hợp đồng với bên bán xe hay với nhân viên tư vấn, nhân viên môi giới.
“Người mua tránh sử dụng hợp đồng theo mẫu do bên bán cung cấp, nếu thấy các nội dung không rõ ràng thì yêu cầu điều chỉnh lại. Khách mua xe nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia pháp lý trước khi ký hợp đồng”, luật sư gợi ý.
Luật sư nêu rõ trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, tổ chức kinh doanh không được quy định các điều khoản như “cho phép tổ chức kinh doanh quy định, thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa” hay “bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ trách nhiệm khi tổ chức kinh doanh không hoàn thành trách nhiệm”.
“Ý kiến tư vấn của nhân viên tư vấn hoặc lời giới thiệu của bên doanh nghiệp bán xe chỉ là để khách hàng mua xe tham khảo. Các nội dung này cần ghi nhận bằng văn bản và đưa vào hợp đồng, càng cụ thể càng tốt để các bên có cơ sở thực hiện cho đúng”, ông Nhật cho biết.
Theo một chuyên gia về xe hơi, người mua phải đọc kỹ hợp đồng, trong đó có điều khoản về thời gian giao xe, giá xe, hoàn trả tiền cọc. Nếu phát hiện điều khoản bất lợi thì yêu cầu bên bán điều chỉnh, cam kết bằng văn bản.
Người mua xe có thể tự soạn thảo văn bản theo mong muốn cá nhân, bảo vệ quyền lợi, tránh điều khoản “mập mờ” trong hợp đồng in sẵn. Nếu đại lý từ chối ký hợp đồng theo yêu cầu của người mua, đó có thể là dấu hiệu cần xem xét lại giao dịch.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khach-hang-mon-moi-cho-giao-xe-dai-ly-ung-dung-lat-keo-luat-su-khuyen-cao-gi-20241106102719061.htm