Khắc phục việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dàn trải, không hiệu quả

Việt NamViệt Nam07/02/2025


Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan cần lưu ý khắc phục việc phân bổ nguồn vốn dàn trải, không hiệu quả; bảo đảm việc phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực.

Khắc phục việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dàn trải không hiệu quả
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 7/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho dự án quan trọng quốc gia

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cho giai đoạn 2026-2030, lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định.

Khắc phục việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dàn trải không hiệu quả
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Chính phủ phê duyệt và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 03/TTr-CP ngày 4/1/2025.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Về các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công, dự thảo Nghị quyết đã phân loại 13 ngành lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, khoản 2 Điều 7 của Luật Đầu tư công năm 2024 đã quy định ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, đề nghị rà soát nội dung này tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm yêu cầu trong xây dựng pháp luật, không quy định nội dung đã được quy định trong Luật Đầu tư công và đã giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước và nước ngoài, dự thảo Nghị quyết quy định riêng về vốn trong nước và vốn nước ngoài, trong đó đối với vốn ngân sách trung ương trong nước, cơ bản kế thừa quy định tại Nghị quyết số 973, giữ quy định dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực.

Khắc phục việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dàn trải không hiệu quả
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Đối với vốn nước ngoài, dự thảo bổ sung quy định rõ hơn việc phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; quy định ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, các dự án đủ điều kiện bố trí vốn...

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo, bên cạnh đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan phối hợp rà soát kỹ quy định tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định mới của Luật Đầu tư công; ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho những dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, dự án gắn với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đối với những lĩnh vực quan trọng mà nước ta chưa làm và chưa làm chủ công nghệ. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung việc bố trí vốn để phục vụ thúc đẩy tự động hóa, ứng dụng thành tựu 4.0 và nghiên cứu bố trí nguồn cho quỹ hỗ trợ đầu tư.

Bảo đảm minh bạch, công bằng, tránh dàn trải trong phân bổ vốn đầu tư công

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách và nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, đề nghị không quy định chi tiết, cụ thể ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách. Thay vào đó, nghiên cứu thể hiện theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công bởi trong Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt trong thực hiện; bảo đảm phù hợp với chủ trương đổi mới trong xây dựng pháp luật, không quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về nguyên tắc chung, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong nước và ngoài nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, vốn đầu tư công, nguồn ngân sách địa phương để cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm minh bạch, công bằng và tránh dàn trải trong phân bổ vốn.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ, hiệu quả và ràng buộc trách nhiệm quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Lưu ý việc bố trí vốn cho lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như các lĩnh vực, nhiệm vụ có mục tiêu ưu tiên để tăng tốc phát triển trong giai đoạn 2026-2030.

Khắc phục việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dàn trải không hiệu quả
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, các cơ quan cần lưu ý khắc phục cho được việc phân bổ nguồn vốn dàn trải, không hiệu quả; bảo đảm việc phân bổ hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973 khi chưa có cơ chế quản lý trong việc lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm dành nguồn ngân sách địa phương cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài hiện còn rất thấp... Tiếp tục rà soát, cập nhật Luật Đầu tư công năm 2024 bảo đảm đồng bộ, nhất là các vấn đề liên quan đến thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, B, C, tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án ODA, nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%.

NDO



Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/khac-phuc-viec-phan-bo-von-dau-tu-cong-nguon-ngan-sach-nha-nuoc-dan-trai-khong-hieu-qua-147717.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available