Độc giả Lê Phi Long (Bình Phước) cho biết: “Tôi thường xuyên đón đọc bài về ngôn ngữ trên chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” của Báo Thanh Hóa, và vỡ ra được nhiều điều. Nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ chỉ đến khi đọc bài “cà kê” tôi mới biết mình đã từng hiểu sai, dùng sai. Quả là tiếng Việt mình vô cùng phong phú, sống cả đời chưa chắc đã hiểu hết và dùng đúng tiếng mẹ đẻ.
Gần đây tôi đọc báo và được biết tại một hội nghị nọ, một vị Giám đốc Sở X đã phát biểu: “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ thả rông như thế này thì ko thể nào xử lý được ùn tắc giao thông”.
Lời phát biểu của ông giám đốc đã vấp phải ý kiến phản đối, vì cho rằng lãnh đạo một sở mà dùng từ “thả rông” như thế là phản cảm, thiếu văn hóa, xúc phạm người dân. Vậy đề nghị chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết, việc sử dụng từ “thả rông” phương tiện ở đây được hiểu như thế nào, có thể chấp nhận được không?
Trân trọng cảm ơn”.
Trả lời: Chúng tôi có biết câu chuyện liên quan đến từ “thả rông” mà độc giả Lê Phi Long nêu, và cũng đã có một số độc giả gửi tới chúng tôi câu hỏi tương tự.
Bản thân chữ “rông” hay “rong”, “nhông” (như chạy nhông khắp xóm), đã có nghĩa là ở tình trạng buông thả, không bị ràng buộc, có thể đi lung tung khắp nơi.
Hầu như mọi người Việt Nam nói tiếng mẹ đẻ đều hiểu chính xác từ “thả rông” có nghĩa là thả cho muốn đi đâu thì đi, trái nghĩa với “nhốt” (giữ ở trong chuồng, cũi, không cho tự do đi lại, hoạt động).
Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay xuất bản từ trước 1945 đến nay (ở cả hai miền Nam, Bắc), như Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức); Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức); Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị); Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đều thống nhất giảng “rông”, “thả rông” với nghĩa như trên, và lấy ví dụ: Chó chạy rông, trâu bò thả rông, lợn thả rông/rong; gà thả rông,... Tóm lại, đây là một từ thường dùng cho các con vật nuôi vốn phải được quản lý, nuôi nhốt nhưng lại thả cho tự do muốn đi đâu thì đi, và dĩ nhiên đi kèm theo đó là sự phá phách, quấy nhiễu của chúng.
Tuy nhiên, trong thực tế thì từ “thả rông” còn được dùng trong ngoặc kép với nghĩa ẩn dụ, chỉ phụ nữ không mặc áo ngực. Nghĩa là bộ ngực của phái đẹp không bị ràng buộc, nai nịt bởi bất cứ thứ gì, mà để trong tình trạng “thả phóng”, “tự do”. Ví dụ “Thả rông” giúp ngực săn chắc hơn? (Báo Thanh Niên), Lại rộ trào lưu thắt đáy lưng ong, “thả rông” ngực (Báo Người Lao động), Phụ nữ “thả rông”, không tốt cho ngực (Báo Tiền Phong),...Thậm chí, bài Phụ nữ Pháp được bảo vệ quyền thả rông ngực ở nơi công cộng (Báo Dân Trí), không đưa từ này vào “nháy nháy”. Như vậy, từ “thả rông” ở đây không còn mang nghĩa “thả cho muốn đi đâu thì đi” nữa, mà đã được dùng với nghĩa ẩn dụ, liên tưởng tới sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì nói chung.
Về mặt từ nguyên, thì thả rông là một từ Việt, trong đó cả hai thành tố đều có gốc Hán. Với chữ “thả” (biến âm khác nữa là tha), vốn bắt nguồn từ chữ xả 赦, nghĩa là tha cho, buông, phóng đi, cho được tự do. Về mối quan hệ X↔TH (xả↔thả/tha), ta còn thấy trong nhiều trường hợp khác như: xuy 吹↔thổi (thổi sáo); xuy 炊↔thổi (thổi, nấu); xú 臭↔thối (hôi thối),...
Còn chữ rông/rong/nhông, vốn bắt nguồn từ một chữ có tự hình là 容, với hai âm đọc là dung hoặc dong, nghĩa là tha thứ, khoan dung, để cho tồn tại mà không bị trừng phạt. Mối quan hệ D↔R (dung/dong↔rong/nhong), ta còn thấy trong nhiều trường hợp, như di 夷↔rợ (mọi rợ); di 遺↔rơi (rơi rớt lại); dõng/dũng 蛹↔nhộng (con nhộng, chính là biến âm dung/dong↔rông/nhông; chạy rông/chạy nhông),...
Trở lại với câu nói của ông Giám đốc Sở X: “...Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ thả rông như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông”.
Có lẽ từ “thả rông” này cũng được ông dùng với nghĩa ẩn dụ. Nghĩa là thành phố đã không có những chính sách quản lý, hay hạn chế phương tiện giao thông, mà để phát triển một cách hoàn toàn tự do, muốn ra sao thì ra. Theo đây, căn cứ vào câu chữ đoạn trích dẫn, theo chúng tôi, cái mà ông giám đốc gọi là “thả rông” là ám chỉ sự tự do phát triển, gia tăng các “phương tiện giao thông”, chứ không phải nói đến việc “thả rông” người điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do “thả rông” là một từ vốn dùng để chỉ tình trạng tự do, không được quản lý, nuôi nhốt của vật nuôi, nên khi muốn dùng với một nghĩa khác, thì trong văn viết người ta thường để trong ngoặc kép để lưu ý độc giả nghĩa ẩn dụ của từ. Trong khi với lời phát biểu, thì rất khó thể hiện sự tu từ trong lời nói. Bởi vậy, theo chúng tôi, cách dùng từ “mạnh”, thiếu cân nhắc của ông giám đốc sở nọ đã gây nên sự hiểu lầm. Dĩ nhiên, đây cũng nên xem là một bài học về sự thận trọng trong việc sử dụng từ ngữ, đặc biệt là với lời phát biểu tại một hội nghị hay diễn đàn chính thức.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tha-rong-tu-chu-den-nghia-238945.htm
Bình luận (0)