Phù hợp với xu thế phát triển của đất nước
Ngày 10/7, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 16 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và phân công của UBTVQH việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 là cần thiết.
Theo ông Thăng, dự thảo Nghị quyết bám sát các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã được xác định tại Nghị quyết số 37 và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.
Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều quy định về đối tượng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; nguyên tắc sắp xếp; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; trình tự, thủ tục, hồ sơ đề án sắp xếp; sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư;
Xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp; áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; kinh phí thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức….
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sắp xếp
Dự thảo Nghị quyết quy định rõ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030; khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp; các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2030 do có các yếu tố đặc thù.
Về nguyên tắc sắp xếp, dự thảo Nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó cơ bản kế thừa các nguyên tắc tại Nghị quyết số 653.
Đồng thời, trên cơ sở Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, dự thảo Nghị quyết chỉnh lý theo hướng khẳng định nguyên tắc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Ông Thăng nhấn mạnh, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 48 và Nghị quyết số 06 về việc “Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí”, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.
Về nguyên tắc các đơn vị hành chính phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù đơn vị hành chính sau sắp xếp có thể không đạt một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết này.
Các đơn vị hành chính đô thị hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội, loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.
Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà giảm được số lượng đơn vị hành chính thì không xem xét tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính trực thuộc.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030;..
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng lưu ý mục tiêu của việc sắp xếp không chỉ nhằm làm giảm số lượng đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước mà còn nhằm mục đích bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, đối với những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định thì cũng cần được xem xét sắp xếp lại. Bởi, cho dù có tăng thêm biên chế thì trong điều kiện hiện nay vẫn rất khó tổ chức công tác quản lý Nhà nước có hiệu quả trên địa bàn.
Các ý kiến cũng nhất trí cao với việc cần có cơ chế để ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương trong việc sắp xếp đơn vị hành chính đặc biệt là các địa phương còn nhiều khó khăn về ngân sách. Đồng thời, cũng đề nghị cần giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng khoản ngân sách này.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành cao với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự thủ tục rút gọn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến 31/12/2022 đã giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã), giảm chi ngân sách Nhà nước (giảm 2.008,63 tỷ đồng), cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.