Theo WB, sức cầu bên ngoài giảm tạo áp lực lên nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt qua khó khăn và vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, triển vọng tăng trưởng cuối năm 2023 và 2024 vẫn tích cực.
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF phát biểu tại sự kiện Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quý II/2023. (Nguồn: VBF) |
Chiều 8/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Business Forum – VBF) tổ chức sự kiện Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam-VBF Economic Outlook quý II/2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sự kiện có sự tham gia thảo luận của các diễn giả tới từ Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Ngân hàng Mizuho Hà Nội, Quỹ Dragon Capital, công ty quản lý bất động sản CBRE, cùng sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Tại đây, các chuyên gia chia sẻ những đánh giá về diễn biến kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2023 và triển vọng tăng trưởng 2023, 2024.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF nhận định, mặc dù trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, khả năng phục hồi tại Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực. Theo ông, tinh thần này có được nhờ sự ủng hộ của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức tín dụng, nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, suy giảm trên toàn cầu đang diễn ra rõ rệt, do đó, các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
WB dự báo, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 2,4% trong năm 2024, trong khi đó, Mỹ tăng trưởng lần lượt 0,7% và 1,2%, Eurozone 0,4% và 1,3%, Trung Quốc 5,6% và 4,6%.
Theo WB, kinh tế toàn cầu suy giảm đã tạo áp lực lên nền kinh tế Việt Nam, trong đó, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu, vốn đóng góp gần một nửa giá trị tăng trưởng tại Việt Nam giảm khiến nền kinh tế đối diện với rủi ro. Khó khăn cũng ảnh hưởng đến các mặt hàng chế biến chế tạo xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Ngoài ra, hiệu ứng cơ sở (tức là sự biến đổi bất ngờ của số liệu lạm phát) giảm dần trong giai đoạn hậu Covid-19 và sự gia tăng các yếu tố bất định cũng ảnh hưởng đến sức cầu nội địa. Tăng trưởng doanh số bán lẻ gần đây giảm xuống thấp hơn giai đoạn trước Covid-19 (2019) trong khi đầu tư của khu vưc tư nhân giảm mạnh. Sự suy giảm cầu bên ngoài và cầu trong nước yếu đi làm cho tăng trưởng chững lại rõ rệt trong nửa đầu năm 2023.
Cụ thể, về thương mại, so với cùng kỳ 2022, xuất khẩu nửa đầu năm 2023 giảm 12%, nhập khẩu giảm 17.9%. Bên cạnh đó, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) giảm nhanh (2% trong tháng 6/2023), trong khi lạm phát cơ bản vẫn khá cao (4,3%).
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận những điểm sáng như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đứng vững, đầu tư công được cải thiện so với nửa đầu năm 2022.
Các diễn giả thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: HA) |
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam mặc dù chưa khởi sắc trong năm 2023 nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2024 và 2025. Về lực cầu bên ngoài, mặc dù yếu hơn trong nửa đầu năm 2023 so với dự kiến trước đó nhưng tăng trưởng toàn cầu sẽ nhích dần lên từ quý I/2024. Điều này sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Motokatsu Ban, Giám đốc Ngân hàng Mizuho Hà Nội cho rằng, thời gian qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong môi trường kinh tế vĩ mô phức tạp.
Về triển vọng trong ngắn hạn, theo ông Ban, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên sự phát triển gắn liền với tăng trưởng của kinh tế thế giới. Đại diện Mizuho Hà Nội cho rằng, để có thể hỗ trợ các hoạt động cho nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể hỗ trợ cho ngành bất động sản và xây dựng. Đây là những điểm quan trọng và sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hiện nay, WB đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ thể về tài khóa, tiền tệ, tín dụng bởi tăng trưởng kinh tế chững lại đòi hỏi phải có hành động chính sách hiệu quả trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, theo WB, Việt Nam cần cải cách cơ cấu để bảo đảm phục hồi bền vững như: Đầu tư cho truyền tải năng lượng; nỗ lực chống chịu biến đổi khí hậu toàn cầu cần tính đến yếu tố thích ứng và giảm thiểu rủi ro trong quyết định đầu tư, xanh hóa sản xuất qua áp thuế carbon và các công cụ tài khóa khác.
Trong khi đó, Giám đốc Mizuho Hà Nội nhận định, kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc, có triển vọng tăng tốc trong những năm sau. Tuy nhiên, hiện tại, diễn biến bất lợi của toàn cầu sẽ ảnh hưởng không tốt, hy vọng từ năm 2024 trở đi, các yếu tố bất lợi sẽ giảm bớt và kinh tế sẽ tăng tốc trong những tiếp theo.