Không nên quá kỳ vọng
Theo TS Nguyễn Chu Gia Vượng (Viện Toán học VN), thực tế hiện nay cho thấy việc dạy học toán trong trường phổ thông đang tạo cho nhiều phụ huynh (PH) nỗi lo khi thời lượng học nhiều, khối lượng kiến thức nặng nề, nhưng lại dạy theo lối mòn. Việc học của học sinh (HS) chủ yếu là giải bài tập với các dạng bài có tần suất lặp lại cao. Trong khi đó, bản chất của hoạt động dạy toán không có nghĩa là chỉ dạy HS tính toán mà phải dạy HS khả năng suy nghĩ logic, khả năng phân tích, lập luận, tổng hợp và xử lý vấn đề…
Các khả năng này không đồng nhất điểm số môn toán của HS trong trường phổ thông hay trong các kỳ thi. Mong muốn con mình được tham gia các hoạt động làm tăng khả năng suy nghĩ, khả năng sáng tạo… là đòi hỏi chính đáng, là cách nghĩ đúng đắn của PH. Tuy nhiên TS Vượng cho rằng PH cũng không nên quá kỳ vọng vào khả năng giúp con em mình phát triển tư duy chỉ nhờ vào việc học tốt hơn môn toán. Tất nhiên, toán là bộ môn mà ở đó việc rèn luyện khả năng tư duy dễ dàng nhất, đặc biệt đối với những nước không có nhiều điều kiện về kinh tế. Nhưng nó không phải là môn duy nhất giúp rèn luyện tư duy. Người ta có thể học tư duy qua các bộ môn khác, các hoạt động khác. Ví dụ, môn văn cũng là một môn học rất giúp ích cho phát triển tư duy.
Vì thế, nếu PH không nặng về tính mục tiêu ngắn hạn trong hoạt động giáo dục (như là đạt điểm số cao trong các bài kiểm tra, bài thi), mà muốn rèn luyện tư duy cho con, thì cứ cho con tham gia hoạt động với hình thức CLB, với các lĩnh vực khác nhau. Ðó có thể là CLB toán, hoặc lý, hoặc hóa, hoặc công nghệ thông tin…, hoặc chung chung hơn như là tìm hiểu về khoa học tự nhiên, khoa học sự sống… Việc tham gia hoạt động nào phụ thuộc vào thiên hướng, sở trường, sở thích của HS; đừng định kiến là phải học thêm môn này, môn kia mới là tốt.
Nên học toán chương trình hiện hành cho vững, cho tốt
Theo TS Trần Nam Dũng, giảng viên bộ môn giáo dục toán học, Khoa Toán tin, Trường ÐH KHTN (ÐHQG TP.HCM), các trung tâm dạy toán tư duy ở TP.HCM nhìn chung đều có triết lý, có chương trình và đối tượng của mình, được cấp phép hoạt động. Vấn đề cơ bản là các trung tâm phải thực hiện đúng các cam kết của mình đối với khách hàng. Vì vẫn có tình trạng dạy toán “thiếu tư duy” nên các lớp học thêm bên ngoài nhà trường lúc nào cũng có người học. Nhưng liệu các trung tâm dạy toán tư duy có giúp HS giải quyết được vấn đề “thiếu tư duy” hay không thì không ai dám chắc.
Tuy nhiên, TS Dũng cũng nhận định chương trình toán phổ thông hiện nay có nhiệm vụ phát triển các năng lực toán học cho HS phù hợp với sự phát triển của các cháu, trong đó tư duy và lập luận là một trong các năng lực cốt lõi. Chương trình toán phổ thông được thiết kế một cách khoa học, xuyên suốt. Bởi vậy, điều đầu tiên cần làm với môn toán là học toán trong trường cho tốt, cho vững. Những tiết học ngoại khóa bên ngoài chỉ nên là bổ trợ, nâng cao, tạo thêm hứng thú cho các em.
“Một lời khuyên cho PH (khi cho con học ngoại khóa) là nên chọn các chương trình có lộ trình rõ ràng, có chuẩn đầu ra, học một tuần 1 buổi, không tạo thêm sức ép cho HS. Các PH cũng nên tham khảo giáo trình và tốt nhất là dành thời gian học cùng con. Các quá trình tương tác, hỏi đáp rất cần cho sự phát triển của tư duy”, TS Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu PH có đủ trình độ giúp con phát triển tư duy khi học cùng con, khi mà chưa chắc họ đã hiểu bản chất của bài học mà HS được dạy. TS Dũng nói: “Dạy HS tư duy là việc của giáo viên, còn PH chỉ cùng nghĩ, cùng thảo luận với con, chứ không dạy con. Tư duy toán học thực ra rất tự nhiên, nên với chương trình tiểu học mà PH không học được với con nghĩa là chương trình có vấn đề (do khó quá, lắt léo quá)”.