Sau Hội nghị thượng đỉnh G7, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục người châu Âu, mà đầu tàu là Đức, “thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc”?
Kẹt trong ‘quan hệ tay ba với’ Mỹ-Trung Quốc, đầu tàu châu Âu thoát cách nào. (Nguồn: politico.eu) |
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa kết thúc ở Hiroshima (Nhật Bản) đã đạt được mục tiêu tạo nên một liên minh mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đối phó với Trung Quốc?
Nhưng thực ra, Đức luôn cảm thấy áp lực về mối quan hệ “tay ba này”. Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và cũng là đầu tàu châu Âu, vẫn đang nỗ lực tìm một lối đi riêng trong cuộc xung đột kinh tế giữa hai gã khổng lồ, một bên là nền kinh tế số 1 thế giới – Trung Quốc và phía bên kia là nền kinh tế số 1 – Mỹ.
Châu Âu bị “mắc kẹt”, Đức rơi vào thế khó
Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc phân định ranh giới với Trung Quốc là trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và ông hết sức kỳ vọng vào các đồng minh về điều này, đặc biệt là Đức và Liên minh châu Âu (EU).
Như lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, trước khi Tổng thống Joe Biden lên đường sang Nhật Bản, mục tiêu mà ông Biden mong muốn là G7 phải “đồng ý về các nguyên tắc trong quan hệ với Trung Quốc”.
Theo chuyên gia thương mại Inu Manak từ tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại có trụ sở tại Washington, chính phủ Mỹ rất rõ ràng về định hướng đối phó với Trung Quốc. Nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà Trắng bây giờ là thu hút sự tham gia của các đối tác quốc tế.
Trong khi đó, về phía Đức, tại Hiroshima, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng “tách rời” Trung Quốc không phải là một viễn cảnh mà các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh theo đuổi. G7 chỉ muốn tổ chức các mối quan hệ thương mại toàn cầu theo cách mà các thành viên không trở nên quá phụ thuộc vào một hoặc một số quốc gia riêng lẻ.
Do đó, từ khóa “giảm thiểu rủi ro” có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh kinh tế, đặc biệt là liên quan đến chuỗi cung ứng, mối quan hệ đầu tư và an ninh công nghệ.
Ở Đức, ngày càng có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu sẽ bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường thế giới. Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, đại diện chính phủ Đức nhấn mạnh rằng, trong mọi trường hợp, hội nghị không được tạo ấn tượng về một “liên minh chống Trung Quốc”.
Brussels đang tích cực chuẩn bị để đối phó với sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Bắc Kinh, nhưng các quốc gia EU vẫn chưa thể thống nhất một chiến lược chung. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã kêu gọi EU giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Lời kêu gọi này khiến ông phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích từ các quốc gia EU.
Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 trước hội nghị Thượng đỉnh, các bên đã nhanh chóng thống nhất rằng, Trung Quốc là “mối đe dọa” đối với an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội nghị lần này của các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima tập trung bàn thảo về nền tảng của quan hệ thương mại toàn cầu, về sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau và câu hỏi làm thế nào để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc mà không gây thiệt hại cho chính các quốc gia G7.
Riêng Berlin rất thận trọng trong các bước đi của mình. Chính phủ Đức không muốn tham gia lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với các loại hóa chất dùng cho việc sản xuất chip. Theo Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức, vì lợi ích của người lao động, cần phải tránh việc cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc một cách vội vàng và thiếu suy nghĩ, vì sau tất cả, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức.
Đối với kế hoạch trừng phạt mới của Ủy ban châu Âu (EC) nhắm tới một số doanh nghiệp Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng cho Nga, Đức và một số thành viên EU cũng tỏ ra dè dặt.
“Phân định ranh giới”- nỗi ám ảnh của Đức
Mỹ đi đầu trong việc thực hiện đường lối cứng rắn chống Trung Quốc và liên tục gây áp lực lên các đồng minh của mình về điều này.
Mùa Thu năm ngoái, Washington đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc. Cho tới nay, các biện pháp này được đánh giá là sâu rộng và toàn diện nhất. Chúng dựa trên quan ngại rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng các loại chip tiên tiến của Mỹ phục vụ mục đích quân sự, chẳng hạn như sản xuất vũ khí và hậu cần quân sự.
Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia biện pháp kiểm soát này. Chính phủ Mỹ cũng được cho là đã đề nghị Hàn Quốc yêu cầu các nhà sản xuất chip lớn của họ hạn chế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Một giai đoạn mới trong việc “phân định ranh giới” đã bắt đầu từ Hội nghị thượng đỉnh G7, vì trong tương lai, dòng chảy vốn đầu tư giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không còn thông suốt như trước đây. Nhà Trắng dự định sẽ sớm công bố các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, hay còn gọi là quy định sàng lọc đầu tư ra nước ngoài.
Một lần nữa, Berlin lại “rơi vào thế khó”. Trong thời gian chuẩn bị cho Thượng đỉnh G7, các đại diện của Washington được cho là đã nói rất rõ với Thủ tướng Đức rằng, chủ đề này “có tầm quan trọng rất lớn” đối với Tổng thống Biden.
Để thuyết phục Đức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các biện pháp kiểm soát theo kế hoạch của Mỹ sẽ chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ, như chip, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ lượng tử. Bà khẳng định, một cơ chế như vậy sẽ chỉ hiệu quả nếu có sự tham gia của các đồng minh và đối tác.
Trước lời thuyết phục này, chuyên gia thương mại Inu Manak cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp Đức và châu Âu cũng sẽ phải chuẩn bị đối mặt với những hậu quả sâu rộng. Nhiều khả năng bất kỳ công ty nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quy định mới của Washington. Trên hết, các công ty châu Âu đã và đang đầu tư nhiều vào Mỹ chắc chắn sẽ phải chịu “cơ chế sàng lọc” nếu họ đầu tư vào Trung Quốc.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thể hiện sự ủng hộ một cơ chế như vậy. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này ở châu Âu gặp nhiều trở ngại và tranh cãi. Ngay trong nội bộ Đức, khi chính phủ liên bang thể hiện sự hoài nghi, thì mới đây Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Robert Habeck lại bất ngờ lên tiếng ủng hộ biện pháp này.
Các nhà ngoại giao Đức luôn cảm thấy áp lực về mối quan hệ đặc biệt này. Một trong số họ đã nói rằng, phía Mỹ đề cập đến Trung Quốc trong mọi cuộc thảo luận với phía Đức; điều này “gần như là một nỗi ám ảnh”. Nó cũng vấp phải sự hoài nghi lớn của các doanh nghiệp Đức.
Một đại diện của các doanh nghiệp Đức đã cảnh báo rằng, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Washington đối với Bắc Kinh đều có tác động tiềm tàng đến các công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh phản ứng dữ dội, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà các nhà đầu tư phương Tây khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trung Quốc gần đây đã trừng phạt hai nhà sản xuất vũ khí của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon, đồng thời mở cuộc điều tra đối với nhà sản xuất chip Micron của Mỹ.
Chính phủ Đức cũng lo ngại về “kỷ băng hà ngoại giao”, việc thiếu liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.
Tại Washington, trước những lo ngại tương tự, chính quyền của Tổng thống Biden đã phải có những động thái xoa dịu dư luận. Theo đó, Washington cho biết mục tiêu trong chính sách Trung Quốc của Mỹ là “giảm thiểu rủi ro” trước Trung Quốc, không phải “tách rời” hoàn toàn khỏi nước này về mặt kinh tế.
Giới quan sát cũng có nhận xét rằng, Chủ tịch EC von der Leyen và Thủ tướng Đức Scholz ngày càng sử dụng thuật ngữ này – chỉ là “giảm thiểu rủi ro” – một cách thường xuyên hơn.