Chưa quy định cụ thể về sử dụng mã số vùng trồng
Thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk – địa phương trồng sầu riêng nhiều nhất cả nước với diện tích hơn 22.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 11.000ha. Đến nay, mới có 49 vùng trồng sầu riêng của tỉnh được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số, tổng diện tích gần 2.200 ha sản lượng đạt khoảng 45.200 tấn.
Trong vụ thu hoạch năm 2023, việc sử dụng mã số được tiến hành theo hình thức đại diện vùng trồng trực tiếp sử dụng mã số để xuất khẩu sản phẩm. Hoặc Đại diện vùng trồng uỷ quyền cho doanh nghiệp khác sử dụng mã số vùng trồng nếu bán sản phẩm sầu riêng từ vùng trồng cho doanh nghiệp khác.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có xảy ra trường hợp gian lận, mạo danh trong việc sử dụng mã số vùng trồng và đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: Vùng sản xuất sầu riêng của địa phương còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn. Trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu.
Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững một số hộ dân tại vùng trồng chưa có sự đồng thuận cao trong suốt cả quá trình cấp mã số từ khâu thiết lập hồ sơ đến khi vùng trồng được phê duyệt mã số và cuối cùng là việc duy trì mã số sau khi được phê duyệt. Đây là một trong những khó khăn nhất trong công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng.
Ngoài ra, hệ thống văn bản chưa đầy đủ, chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng mã số vùng trồng lẫn chế tài xử lý các hành vi vi phạm… khiến cho công tác quản lý càng gặp nhiều khó khăn.
Cần sớm có cơ chế quản lý phù hợp
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Việc cần làm lúc này là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp như quản lý dịch hại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tỉnh phải tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói đến cơ sở xử lý đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra phẩm đạt tiêu chuẩn, tuân thủ quy định của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk – nói thêm: “Kết thúc vụ mùa năm 2023, việc cần sớm triển khai của địa phương là phải thực hiện tốt việc duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói tăng tính minh bạch trách nhiệm và hiệu quả.
Rà soát lại các vùng trồng đã được cấp trước đây, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong gian lận thương mại và sử dụng vùng trồng sai mục đích”.