Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ thanh tra (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023), EVN và các đơn vị có liên quan đã đóng góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023, EVN và một số đơn vị có liên quan đến cung cấp điện đã để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.
Vận hành thủy điện chưa sát thực tế
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 7/2022, các đơn vị của EVN vẫn tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc. Bao gồm 8 hồ chứa thủy điện là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà (thuộc lưu vực sông Hồng); Trung Sơn (thuộc lưu vực sông Mã); Bản Vẽ (thuộc lưu vực sông Cả).
Điều này làm giảm mực nước các hồ so với Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 mặc dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn về lưu lượng nước về chỉ đạt 60- 80% so với trung bình nhiều năm.
Kết luận thanh tra cho rằng: Việc huy động vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên làm giảm mực nước các hồ chứa so với kế hoạch năm và thấp hơn đáng kể so với mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 và dẫn đến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện.
Trong các tháng 3, 4, 5 năm 2023 các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn đến giảm mực nước các hồ thủy điện.
Theo kết luận thanh tra, việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022 làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023. Điều này là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021.
Đến hết tháng 4/2023, sản lượng tích nước trong các hồ thủy điện toàn hệ thống đã thiếu hụt 1,632 tỷ kWh (riêng miền Bắc thiếu hụt 576 triệu kWh) so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023, làm giảm lượng dự phòng công suất, điện năng của hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc. Điều này cũng làm một số hồ chứa thủy điện vi phạm mực nước vận hành trong mùa khô theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Một số nhà máy thiếu than cục bộ
Theo kết luận thanh tra, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than thực hiện năm 2021-2022 đạt thấp hơn so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt.
Trong 5 tháng đầu năm, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cơ bản cung cấp đủ khối lượng than cam kết tại Hợp đồng mua bán than năm 2023 đã ký, dự kiến cả năm 2023 cấp đạt và vượt khối lượng than đã cam kết tại Hợp đồng năm 2023. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng thiếu than cục bộ ở một số nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) tại thời điểm đầu năm và kéo dài đến tháng 5.
EVN có Công văn số 5188/EVN-KTSX ngày 31/7/2020 về định mức than tồn kho cho các NMNĐ. Tuy nhiên, kết quả thống kê than tồn kho theo tháng cho thấy, than tồn kho năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 của nhiều NMNĐ (trong đó có các NMNĐ EVN và các GENCO) thấp hơn so với định mức. Đặc biệt một số NMNĐ duy trì mức tồn kho thấp kéo dài hoặc thấp đến mức báo động phải dừng tổ máy.
Đoàn thanh tra Bộ Công Thương kết luận: “Như vậy, các chủ đầu tư NMNĐ chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng đến việc đảm bảo dự phòng để vận hành nhà máy ổn định, an toàn, thể hiện ở việc không đủ than cho sản xuất điện tại một số thời điểm năm 2022 và một số tháng đầu năm 2023”.
Nguồn điện chậm vào vận hành
Việc các nguồn điện chậm trễ đầu tư, xây dựng là một trong những lý do quan trọng nhất khiến miền Bắc trải qua thiếu điện vừa qua.
Kết luận thanh tra cho rằng: Việc thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện không đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã duyệt thuộc trách nhiệm của EVN, các Ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3, EVNNPT, GENCO3 và 5 Tổng công ty Điện lực trực thuộc EVN.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan.
Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023, EVN và các đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.973 MW.
Tính đến thời điểm thanh tra, EVN thực hiện đầu tư Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I chậm tiến độ 3 năm.
Dự án Ô Môn III, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. EVN đã hoàn thành một số thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, Dự án Ô Môn III bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh. Đoàn thanh tra chỉ ra lý do nằm ngoài khả năng kiểm soát của EVN, đó là tiến độ cấp khí cho các dự án nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tương tự, với dự án Ô Môn IV, EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do tiến độ cấp khí của mỏ khí Lô B bị chậm tiến độ nên Dự án bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh và Quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ khí Lô B của Thủ tướng Chính phủ (Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nhận đầu tư dự án nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN – PV).
Với Dự án Dung Quất I và Dự án Dung Quất III, EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho rằng: Do chưa xác định tiến độ của mỏ khí Cá Voi Xanh nên EVN chưa thể phê duyệt dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, đến thời điểm thanh tra, Dự án chưa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) phê duyệt nên EVN chưa có cơ sở để triển khai đầu tư theo quy định. Dự án chậm tiến độ khoảng 1 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.