“Chỉ lính đảo xa mới có đàn guitar một dây”, chỉ nghệ sĩ Việt Anh mới hát với đàn guitar…. 21 dây. Tôi đã bị thôi miên ngay khi một người bạn gửi cho bức ảnh một anh chàng ôm đàn guitar cực quái, với 21 dây, thay vì 6 dây thông thường.
Kẻ lãng du với cây đàn guitar – Nghệ sĩ Việt Anh. (Ảnh: MH) |
Dân chơi nhạc Hà Thành bảo tôi: “Ông này rửa tay gác kiếm mấy năm nay, ở nhà chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi, nhưng vẫn làm đàn, múa đàn, “thiền động” tại gia. Cứ theo đường Láng Hòa Lạc đi đến chỗ đấy, chỗ đấy, nhà có 3 cây cau vua to như cây ở khách sạn Daewoo là chuẩn”.
Cuối tuần mùa Đông đầy nắng. Cái se lạnh trong nắng vàng hanh hao thật dễ khiến những tâm hồn lãng mạn trở nên tức cảnh sinh tình. Cũng có lẽ nhờ thời tiết đẹp mà vừa thoăn thoắt thay đồ cho mẹ đang nằm trên giường bệnh xong là Việt Anh đã hồ hởi ra đón tôi với lời chào: “Nhà báo nhiệt tình nhỉ?”. Thế rồi anh dành cả tiếng đồng hồ trong quỹ thời gian quý báu của mình để thao thao bất tuyệt về chuyện nghề, chuyện nghiệp và những trăn trở với cái nghiệp ôm đàn guitar của mình.
Tuổi thơ khát… đàn
Thong thả mời tôi chén trà bên hiên đầy nắng, nghệ sĩ Việt Anh liu riu đôi mắt nhớ lại tuổi thơ – những ngày đầu biết đến và “ngã vào tình yêu” với cây đàn guitar cho đến tận bây giờ. Anh kể: “Tôi sinh ra ở Hải Phòng, là con út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm tôi tám tuổi, mỗi khi bạn bè của các anh chị đến chơi nhà và đàn hát, tôi hay lắng nghe và “học lỏm” guitar và cũng chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã có thể chơi lại những bài mà tôi đã nghe lỏm được”.
Thời bao cấp, ai cũng biết là cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Vì thế, nhà nào có cây đàn thôi cũng đã được coi là một gia đình văn hoá. Nhà Việt Anh thì không có đàn, thế nên anh thường xuyên la cà sang nhà hàng xóm xách nước giúp để có lý do được mượn chiếc đàn guitar về tập.
Anh kể tiếp: “Năm 10 tuổi, tôi gom góp chút “vốn liếng” từ tiền mừng tuổi và xin thêm mẹ 25 đồng, vậy là đủ để mua cây đàn guitar đầu tiên trong đời với giá 130 đồng ở Bách hoá Tổng hợp Hải Phòng. Chất lượng của đàn thật tệ, tệ đến nỗi cái phím đàn bằng đồng họ cũng không dũa phẳng. Khi tôi hý hửng chơi, có một nốt luyến bấm và vuốt xuống dưới thì tôi bị phím sắc bị cứa ngang lòng bàn tay. Vết cứa khá to, máu chảy nhiều, tôi phải phải nghỉ chơi đàn một thời gian. Tôi vẫn nhớ lúc đó, nhìn cây đàn mới mà tôi buồn thiu và bất lực…”.
Bước ngoặt trong đời đến khi Việt Anh lên 12 tuổi. Nghỉ hè, anh xin học trống ở Cung Văn hoá Thiếu nhi Hải Phòng. Tình cờ, trong một buổi diễn cuối khoá học, chú Văn – một giảng viên thanh nhạc đã phát hiện ra Việt Anh biết chơi guitar, và lập tức “tóm” ngay cậu bé vào ban nhạc thiếu nhi của Cung văn hóa. Rất nhanh sau đó, Việt Anh đã chính thức trở thành tay guitar lead của ban nhạc này.
Mưu sinh với đàn
Việt Anh cười nhẹ nhàng: “Nói là mưu sinh với đàn lúc tuổi teen như thế thì hơi quá, nhưng đó cũng là một thời huy hoàng và đánh dấu lần đầu trong đời, tôi có thu nhập từ việc chơi đàn”. Đó là khi chú Kiên, một người thầy phối khí và hướng dẫn dàn nhạc với một quan điểm rất cấp tiến vào thời điểm đó đã tập cho ban nhạc những tác phẩm của BoneyM và ABBA, ngoài thời gian tập nhạc thiếu nhi.
Nhớ lại kỷ niệm này, Việt Anh bảo, chú Kiên đã quá dũng cảm bởi hồi đó, nếu chơi nhạc ngoại quốc thì toàn thấy người ta chơi nhạc Liên Xô, Cuba… Thế nhưng, nhờ chơi những bản nhạc nổi tiếng thế giới mà ban nhạc “nhí” của Việt Anh trở nên nổi tiếng. “Chúng tôi bận rộn “chạy xô” chơi nhạc, từ đám cưới cho đến những sự kiện lớn của thành phố. “…Và, cũng từ đó tôi bắt đầu kiếm những đồng thù lao đầu tiên bằng chơi đàn” – Việt Anh cười hạnh phúc.
Sau khi học hết trung học, do đam mê với âm nhạc, Việt Anh quyết định lên Hà Nội để học chuyên sâu. “Gia đình tôi đã rất lo lắng vì ngày đó xã hội chưa coi nghệ thuật là một “nghề” và càng không phải là sự nghiệp… Mẹ của bạn gái đầu đời của tôi còn mắng con gái vì yêu cái “thằng đàn ca sáo nhị”…” – Việt Anh thích thú khi nghĩ lại mối tình đầu của mình.
Với hành trang là một cái túi đi mượn của bà cô hàng xóm cùng mấy bộ quần áo, anh lẳng lặng nhảy tàu lên Hà Nội. Nghe có vẻ khá phiêu lưu nhưng Hà Nội cũng chẳng phải xa lạ gì với tay lãng tử mê đàn này vì ở đấy có ông bác Phạm Ngữ là nghệ sĩ guitar gạo cội và bác gái công tác tại Cục Âm nhạc và Múa. Ở đấy còn có bà chị họ Phạm Thanh Hằng – tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia và ông anh Phạm Hồng Phương – nghệ sĩ guitar và là giảng viên trường Đại học Nhạc họa Hà Nội. Với “thế lực chống lưng” như thế, tay lãng tử ham chơi đàn Việt Anh đâu có gì phải lo?
Rồi lại mưu sinh quên đàn
Ấy vậy mà đời chẳng như mơ. Lên Hà Nội thì anh chàng cũng mất luôn kế sinh nhai – mối ruột ở Hải Phòng.
“Thay đổi nơi sinh sống cũng có nghĩa là tôi không thể tiếp tục chơi đàn ở Hải Phòng nữa nên ko có thu nhập sinh sống để học tập.
Thời đó, phong trào hát các ca khúc chính trị không chuyên rất sống động. Tôi đi đệm đàn cho đội văn nghệ của Nhà máy bánh kẹo Hải Hà. May mắn, tôi được nhận vào làm công nhân bán thời gian và phụ trách luôn phần văn nghệ của nhà máy. Nhờ vậy, tôi có được thu nhập ổn định tối thiểu để sinh sống” – anh nói.
Làm công nhân được hơn một năm, vào một ngày đẹp trời, Việt Anh đi đệm đàn giúp hai chị ca sĩ thi tuyển vào đoàn văn công chuyên nghiệp Bộ Đội Biên Phòng. Hôm đó, đoàn tuyển rất nhiều diễn viên, ca sĩ, nhạc công, diên viên múa… Chả hiểu thế nào mà những ngón đàn của Việt Anh lại lọt tai Trung tá, nhạc sĩ Bảo Chung – Trưởng đoàn văn công. Thế là chưa đăng ký hay nộp đơn gì, Việt Anh bỗng được gọi vào công tác chính thức.
Đến giờ nghĩ lại, Việt Anh vẫn chẳng hiểu nổi tại sao mình yêu âm nhạc đến thế. Anh ngày đêm khổ luyện, vượt qua mọi khó khăn về tài chính để tồn tại và đàn. Một năm sau, Việt Anh được hoàn thiện hồ sơ quân nhân với lon thiếu uý, được giao quản lý phòng tập nhạc và phối khí cho dàn nhạc của đoàn.
Tiếng là đóng quân ở Hà Nội nhưng suốt năm năm công tác tại đoàn, Việt Anh được đi khắp cả nước. Tuy vất vả nhưng anh luôn tự hào rằng mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem văn hoá tinh thần đến từng chiến sĩ, từng đồn biên phòng, từng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa… Có những nơi không đi được bằng phương tiện gì, cả đoàn hành quân đi bộ. Có những chặng phải đi bộ gần hai ngày mới tới nơi, xa xôi đến mức bà con dân tộc còn không đặt chân tới được. Những chốt biên phòng trên đỉnh núi cao chót vót thì những chiến sĩ trong đoàn văn công vẫn chân đạp mây, tóc vờn gió núi mà đi…
Tuy nhiên, sau nhiều năm nay đây mai đó, tay lãng tử bắt đầu trăn trở và nghĩ đến ngôi nhà và những đứa trẻ. Anh xin ra quân và đi một số nơi kiếm sống, thấy chẳng ăn thua. Anh về lại Hà Nội, công tác tại Công ty Kim khí Hà Nội làm một thủ kho mẫn cán. Suốt thời gian làm việc tại đây, anh gần như cắt đứt với âm nhạc và chẳng giao lưu với ai trong giới nghệ thuật Hà Nội. Giai đoạn này anh tạm thoát nghèo, mua được một nửa cái chung cư cũ kỹ mà cả cơi nới mới được vỏn vẹn 18 mét vuông.
Tác giả và nghệ sĩ Việt Anh với cây đàn ấn tượng 21 dây. (Ảnh: MH) |
“Yêu lại từ đầu”
Tưởng như cuộc sống của tên lãng tử đã an bài và “cai” hẳn nghệ thuật. Ây vậy mà như một định mệnh, cảm xúc vu vơ chợt ùa về khi đi qua khách sạn Hà Nội Daewoo. Anh bảo: “Lúc đấy thấy nó đẹp và đồ sộ quá. Hàng cau vua như rì rào mời gọi. Tôi cứ đi qua đi lại ngắm nhìn nó và một cảm giác thèm muốn được chơi đàn trong đó bùng cháy trong tôi. Mọi việc diễn ra như theo định luật hấp dẫn và tôi được mời vào chơi đàn trong đó trước khi khách sạn được khánh thành vài tháng. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi đi chơi đàn được nhận thù lao bằng dollar” – anh nhớ lại.
Thế nhưng, ngày làm việc ở công ty kim khí, đến tối lại đi chơi đàn thì sớm muộn cũng không kham nổi, Việt Anh chọn đi theo tiếng gọi của trái tim, xin nghỉ hẳn ở công ty kim khí để tập trung phát triển âm nhạc. “Khi đã thực sự trở lại với âm nhạc, tôi muốn đào sâu mọi vấn đề của nó, muốn biết thêm những điều chưa biết. Năm 1997, cũng là năm đầu tiên Học viện Âm nhạc Quốc gia mở cửa cho các thí sinh tự do – không cần phải học từ sơ cấp, trung cấp ở trường mới được lên đại học – thi tuyển”. Kết quả là anh đã thi đỗ vào nhạc viện khoa lý luận, sáng tác, chỉ huy ( Lý Sáng Chỉ) – hệ chính quy.
Và cũng từ lúc này, anh bắt đầu tìm hiểu về hơi thở, gốc gác của guitar – đó là Flamenco. Việt Anh bắt đầu chơi Flamenco, mở màn cho một cuộc chơi mới và ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau này. Năm 2000, Việt Anh chính thức thành lập hoàn chỉnh ban nhạc Lãng Du để thỏa chí tung hoành với tình yêu guitar của mình.
Suốt từ năm 2000 đến nay, ban nhạc Lãng Du hoạt động rất tích cực và mạnh mẽ, không ồn ào mà lặng lẽ đi vào các sự kiện lớn nhỏ trong các lĩnh vực, đặc biệt phục vụ sự kiện cho khối doanh nghiệp. Điều này mang đến cho ban nhạc sự ổn định để chơi loại nhạc mình muốn và có thù lao tốt để các thành viên duy trì.
Anh bảo: “Tôi đang trăn trở tìm kiếm một sự mới mẻ khác như tôi đã từng làm với Flamenco mà nó vẫn phải là nghệ thuật chính thống, phải chuyên nghiệp, ko vì khó khăn mà chạy theo những thị hiếu nhất thời của xã hội”.
Câu chuyện dắt tôi đến với cây đàn guitar 21 dây của anh – điều mà một kẻ cũng biết tý toáy ôm đàn ngồi hát không chuyên như tôi cảm thấy kinh ngạc.
(còn tiếp)
Kỳ II: Đàn guitar 21 dây và cuộc chơi lãng mạn