Kaspersky đã quyết định đóng cửa hoạt động và sa thải nhân viên tại Mỹ nhằm phản ứng lại việc Mỹ đưa Kaspersky vào danh sách cấm vận Entity List hồi tháng 6. Entity List bao gồm “các cá nhân, công ty, tổ chức nước ngoài dường như là nguy cơ an ninh quốc gia”.
Ngày 20/6, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông báo cấm bán và cập nhật đối với phần mềm diệt virus Kaspersky tại Mỹ từ ngày 29/9/2024 vì rủi ro an ninh quốc gia.
Vào tháng 7, Kaspersky cho biết, sẽ bắt đầu đóng cửa kinh doanh và cho nhân viên nghỉ việc từ ngày 20/7 vì lệnh cấm này. Đầu tháng 9, công ty bảo mật của Nga gửi email đến khách hàng, trấn an họ sẽ tiếp tục nhận được dịch vụ bảo mật đáng tin cậy từ UltraAV sau khi Kaspersky ngừng hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, email không thông báo việc các sản phẩm của hãng sẽ bị xóa đột ngột và thay bằng UltraAV trên máy tính của người dùng.
Theo báo cáo của nhiều khách hàng, phần mềm của UltraAV được cài đặt trên máy của họ mà không có thông báo nào. Không ít người lo sợ thiết bị bị nhiễm mã độc.
Một người chia sẻ: “Tôi tỉnh dậy và thấy phần mềm diệt virus mới trên máy tính, tôi thử mở Kaspersky nhưng nó biến mất rồi. Vì vậy, tôi tra cứu điều gì đã xảy ra vì lo sợ bằng cách nào đó, máy tính bị nhiễm virus và gỡ Kaspersky”.
Tệ hơn, dù một số có thể gỡ UltraAV bằng công cụ gỡ cài đặt của phần mềm, số khác thấy nó xuất hiện trở lại sau khi khởi động lại máy, khiến nỗi lo bị nhiễm mã độc càng trầm trọng.
Theo Bleeping Computer, không có nhiều thông tin về UltraAV, trừ việc là sản phẩm của Pango Group – chủ sở hữu một số công cụ VPN như Hotspot Shield, UltraVPN, Betternet và Comparitech (website đánh giá phần mềm VPN).
Trên website của mình, UltraAV giải thích, với người dùng Kaspersky, khi việc chuyển đổi hoàn tất, UltraAV sẽ được kích hoạt trên thiết bị và người dùng có thể sử dụng mọi tính năng trả tiền.
Một nhân viên Kaspersky cũng chia sẻ phát ngôn chính thức trên diễn đàn của công ty liên quan đến việc cưỡng ép chuyển sang UltraAV. Theo đó, Kaspersky đã hợp tác với UltraAV để bảo đảm tiếp tục bảo vệ những khách hàng tại Mỹ không còn được Kaspersky bảo vệ.
(Theo Bleeping Computer)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/kasperky-tu-y-cai-phan-mem-diet-virus-khac-tren-thiet-bi-nguoi-dung-2325459.html