Doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan: Sản phẩm OCOP là giá trị, bản sắc Việt Nam, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua “câu chuyện tạo ra sản phẩm”. Câu chuyện càng đặc biệt thì giá cả càng khác biệt, càng dễ truyền thông và quảng bá sản phẩm đến thị trường. Vì thế, câu chuyện phải được xây dựng bằng các giá trị khác biệt về văn hóa, tri thức bản địa, được thể hiện trên bao bì, nhãn mác.
Với tinh thần đổi mới sáng tạo, các chủ thể OCOP đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu và từng bước chinh phục những thị trường khó tính nhất, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP Vĩnh Long.
OCOP- khẳng định vị thế nông sản địa phương
Những năm qua, để Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đem lại hiệu quả, tỉnh đã chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức, văn hóa bản địa và tập quán sản xuất của địa phương. Theo đó, qua hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được phát triển theo hướng hữu cơ, sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp xu thế thị trường. Toàn tỉnh hiện có 159 sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao (100 sản phẩm đạt 3 sao và 59 sản phẩm đạt 4 sao) với 98 chủ thể tham gia (28 HTX, 2 tổ hợp tác, 20 doanh nghiệp và 48 hộ sản xuất kinh doanh).
Có chuỗi sản phẩm chế biến từ nguyên liệu bưởi năm roi của vùng đất Mỹ Hòa, chị Phạm Thị Phượng- Giám đốc Công ty TNHH TM SX Vân Phượng (TX Bình Minh) chia sẻ: “TX Bình Minh có sẵn vùng nguyên liệu dồi dào, nhất là vỏ bưởi- nguyên liệu tưởng chừng chỉ bỏ đi, do đó, tôi mong muốn tạo ra sản phẩm ngon, bổ dưỡng, vừa góp phần giải quyết hàng ngàn tấn phế phẩm được thải ra từ vỏ bưởi hàng năm, giúp bảo vệ môi trường lại tạo được việc làm cho lao động nông thôn. Qua chương trình OCOP, tôi đã chuyển đổi quy trình sản xuất chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, tôi có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn, bán được giá cao và đầu ra cũng ổn định hơn”.
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP đang phát triển với chất lượng, mẫu mã được nâng cao và cải thiện rất nhiều. Chương trình OCOP cũng đã tạo nên những thay đổi lớn về mặt thương mại, sản phẩm OCOP được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, được lan tỏa và tiêu thụ mạnh mẽ gắn với bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm cũng đã vươn mình ra thế giới.
Có nhiều sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu địa phương và đạt chứng nhận OCOP, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Giám đốc Công ty TNHH Thuận Duyên Food (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) phấn khởi nói: “Vĩnh Long có nguồn nguyên liệu phong phú, chất lượng để chế biến mặt hàng gia vị. Do đó, doanh nghiệp có lợi thế sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi thế cạnh tranh. Nhờ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, các sản phẩm của doanh nghiệp như được “chắp cánh”, ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn xuất khẩu sang Campuchia, Mỹ, Canada, Đài Loan, Thụy Sĩ… Doanh nghiệp càng có thêm động lực mạnh dạn đầu tư và có hướng đi mang tính bền vững hơn trong tương lai”.
Nhiều chủ thể bày tỏ vui mừng khi công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. |
Trong năm qua, Vĩnh Long có 4 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao, đề nghị cấp Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Những sản phẩm này đều có vùng nguyên liệu chính tại địa phương là sầu riêng và khoai lang.
Có 2 sản phẩm được tỉnh đề xuất nâng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao là khoai lang tím sấy và khoai lang vàng sấy, bà Nguyễn Thị Mai- Giám đốc Công Ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) cho biết: Thời gian qua, công ty đã không ngừng đầu tư, cải thiện hệ thống máy móc hiện đại nhất để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng. Công ty cũng chú trọng chọn ký kết hợp tác với các đơn vị, HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguyên liệu đầu vào, đồng thời, xử lý, sàng lọc kỹ trước khi đưa vào chế biến. Ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, 2 sản phẩm này còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Brazil, Nga với sản lượng từ 100-120 tấn/tháng, góp phần tiêu thụ tốt nguồn nguyên liệu khoai lang tại địa phương.
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, tác động đến phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, tạo sức bật mới, khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Thế Công- Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả và sức lan tỏa. Nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều có thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Thực tế, các sản phẩm OCOP được công nhận đã tạo được niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng. Dù vậy, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ các cơ sở đạt chuẩn OCOP tiếp tục nâng hạng để tạo hiệu ứng lan tỏa của chương trình. Bên cạnh đó, các chủ thể cũng cần tập trung, quan tâm cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Thời gian tới, bên cạnh thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP; phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung- cầu cho sản phẩm OCOP…
Sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao chất lượng để phù hợp với yêu cầu của thị trường. |
Có thể thấy, OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Để chương trình đạt hiệu quả, bền vững, cần có sự chung tay, nỗ lực của cả ngành chức năng, địa phương, chủ thể sản xuất và người dân. Từ đó, việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Bài, ảnh: THẢO LY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202502/vuon-tamsan-pham-ocop-2733492/
コメント (0)