YênBái - Cây quế đã tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ nông dân ở tỉnh Yên Bái, gia tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, quế là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Yên Bái đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Người dân huyện Văn Yên thu hoạch quế.
|
>> Hợp tác xã Quế Văn Yên góp phần đưa quế Văn Yên thành "OCOP" chủ lực
>> Văn Yên "cất cánh" nhờ cây quế
>> Văn Yên phát triển cây làm giàu chủ lực
>> Văn Yên phát triển cây quế theo hướng hữu cơ
Yên Bái có trên 80.000 ha quế, trong đó tập trung tại huyện Văn Yên trên 55.000 ha. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu chung của tỉnh đã dần ổn định và tăng tưởng, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 425,5 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ (tương đương 70 triệu USD). Nhóm hàng nông lâm sản chế biến ước đạt 150 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu trực tiếp mặt hàng quế ước đạt 3,8 triệu USD, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả nước.
Để thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng giá trị của sản phẩm quế, theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương: "Chúng ta cần có biện pháp từ khâu cây giống đến thành phẩm xuất khẩu, sự kết hợp của chuỗi cung ứng, tiêu thụ trên toàn quốc. Vì vậy, xây dựng hệ sinh thái về quế là yêu cầu thiết thực, là giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển và tháo gỡ những khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến, quy trình sản xuất, vốn và công nghệ; xây dựng thương hiệu... Đồng thời, tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới”.
Văn Yên là một trong những địa phương có diện tích quế nhiều nhất tỉnh - trên 55.000 ha, trong đó trên 30.000 ha đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng.
Đặc biệt, diện tích quế hữu cơ đạt chứng nhận của châu Âu, Mỹ trên 7.281 ha; trong đó, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà 2.700 ha, Công ty Olam Việt Nam 3.081 ha, Công ty Vicimex 500 ha; xã Đại Sơn 1.000 ha. Hiện nay, huyện có 212 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống quế, 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh giống quế, còn lại là sản xuất, kinh doanh giống quế theo quy mô hộ gia đình.
Hàng năm gieo ươm trên 40 - 50 triệu cây giống quế, cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện. Tổng sản lượng quế vỏ khô đạt trên 6.000 tấn/năm; sản xuất lá quế trung bình 65.500 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt trên 60.000 m3/năm. Đối với thị trường sản phẩm quế vỏ và tinh dầu được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng trong và ngoài nước chủ yếu: tỉnh Bắc Giang, thành phố Hà Nội; xuất khẩu các nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Singapore, Mỹ, Anh, Hà Lan...
Gỗ quế được các cơ sở, HTX thu mua, sản xuất ván bóc, xẻ thanh bao bì, xẻ nan xuất bán sang các nước: Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra gỗ quế còn được bán cho nhiều cơ sở xây dựng trong nước.
Với tiềm năng, thế mạnh như vậy nhưng huyện Văn Yên còn gặp không ít khó khăn trong xuất khẩu quế như: thị trường hầu hết các sản phẩm quế chủ yếu là xuất khẩu gián tiếp thông qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh; mẫu mã sản phẩm chưa được đa dạng; chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến sâu; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế...
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện xác định việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phát huy tiềm năng hơn nữa của địa phương bởi việc tận dụng các FTA được xác định là giải pháp quan trọng để gia tăng xuất khẩu quế. Cùng với đó, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các sở, ngành có cơ chế tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm quế. Kế đến là tăng cường công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm quế và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quế, đặc biệt là thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng như việc xây dựng các trang website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế”.
Từ các hoạt động thực tiễn và kết quả đạt được, ngành Công thương tỉnh đã nắm bắt thực tế về tình hình hoạt động sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu ngành quế để tham mưu với tỉnh cũng như phối hợp với các bộ, ngành có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp ngành quế ngày càng phát triển và xuất khẩu bền vững.
Tại Hội nghị triển khai xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA hỗ trợ sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: "Thị trường đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm quế về các yêu cầu cơ bản như: tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm bảo đảm truy xuất nguồn gốc; bảo đảm chất lượng, kể cả việc kiểm soát và đáp ứng yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm) theo quy định thị trường… Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế. Theo dự thảo đề án, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành quế phát triển. Tham gia vào hệ sinh thái này, hộ nông dân trồng quế sẽ được hỗ trợ từ vay vốn đến tư vấn canh tác đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Quan trọng là được bảo đảm đầu ra theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trong hệ sinh thái và hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình canh tác”.
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) chia sẻ: "Việc tận dụng các FTA được xác định là giải pháp quan trọng để gia tăng xuất khẩu quế, do vậy, ngành quế cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới; có thêm các nghiên cứu khoa học để kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định mức dư lượng tối đa, tìm kiếm các giải pháp xử lý sâu bệnh phù hợp. Cùng với đó, cần khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế; cơ chế tại kiểm soát hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không hợp pháp, không có trong danh mục quản lý. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ở quy mô quốc gia”.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành quế, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Tỉnh Yên Bái tiếp tục có những cơ chế, chính sách và các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đặc biệt, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp ngành quế Yên Bái ngày càng phát triển và xuất khẩu bền vững.
Trần Minh
Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/345368/Co-hoi-cho-nganh-que.aspx
コメント (0)