Sáng 23/11, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh ước đạt 3,46%; tổng vốn đầu tư công được cấp thẩm quyền giao của tỉnh 6.972.742 triệu đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công 5.340.589 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước giao 4.082.966 triệu đồng; vốn Trung ương giao bổ sung 59.444 triệu đồng; vốn tỉnh giao bổ sung 1.166.500 triệu đồng; vốn huyện giao bổ sung 31.679 triệu đồng.
Tính đến ngày 15/11, giải ngân vốn đạt 2.385.731 triệu đồng, bằng 38% kế hoạch (KH); giải ngân vốn đầu tư công 1.228.693 triệu đồng, bằng 30,1% KH vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn đầu tư công đã phân bổ 6.281.278 triệu đồng, bằng 90,1% tổng KH; chưa phân bổ 691.464 triệu đồng, bằng 9,9%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn cấp tỉnh đạt 98,03%; cấp huyện đạt 98,65%; cấp xã đạt 99,64%...
Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt để khai thác tối đa 5 lợi thế sẵn có của tỉnh. Hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt dự án và giao vốn để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)...
Quá trình thực hiện, các tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chất lượng chưa cao, thiếu bền vững như: Thu ngân sách; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; một số đơn vị sản xuất công nghiệp chủ lực tiếp tục gặp khó khăn, sản phẩm giảm, cùng với sự giảm sút đối với hoạt động nhập khẩu, nhiều mặt hàng chủ lực có thuế suất cao (ô tô, máy móc thiết bị, than cốc…), làm giảm mạnh tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến nhưng còn chậm; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn…
Tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn kiến nghị: Các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường để có căn cứ xác định giá đất; cho phép các tỉnh chủ động thực hiện điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án của từng chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương để sử dụng vốn đạt hiệu quả và giải ngân được vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình CTMTQG với tỷ lệ cao nhất; khẩn trương hướng dẫn thực hiện đối với kế hoạch vốn mô hình Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản thuộc Dự án 8 trong CTMTQG vùng dân tộc thiểu số và miền núi; điều chỉnh quy trình thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng rút ngắn, đơn giản hóa, giảm thời gian cấp phép khai thác; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thẻ BHYT, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí; sớm ban hành hướng các mẫu báo cáo điều tra sơ bộ, điều tra chi tiết, xử lý ô nhiễm khu vực ô nhiễm đất để tỉnh đủ cơ sở triển khai, giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian sớm nhất…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cấp vốn triển khai thực hiện đầu tư cấp điện cho các thôn bản chưa có điện; xuất khẩu quặng; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ tiền ăn đối với người học nghề ngắn hạn; cơ chế đặc thù cho các vùng an toàn khu; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững tại các địa phương; công tác giải phóng mặt bằng; khi các văn bản của Trung ương ban hành, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ khó khăn…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, 2 tỉnh bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; rà soát các nguồn thu, tăng cường thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, chủ động giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương; đảm bảo ổn định đời sống bà con nhân dân, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.
Trong thực hiện CTMTQG, các tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, tự nguyện tham gia, đổi mới hình thức tuyên tuyền phù hợp trong tình hình mới; kiểm tra giám sát, đôn đốc tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ sở, những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Trung ương để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ trực tiếp tại cơ sở; bám nắm tình hình thực tế, báo cáo kịp thời để tổng hợp và có giải pháp thực hiện hiệu quả. Những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn trong quá trình thực hiện cần trao đổi để giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Đối với các kiến nghị của 2 tỉnh, Ủy ban Dân tộc tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Diệu Hoa
Nguồn
コメント (0)