Ngày 23/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sự leo thang hiện nay ở Lebanon là cần thiết “để bảo vệ người dân của chúng tôi khỏi Hezbollah”. “Chúng ta phải loại bỏ những vũ khí đó để mở đường cho cộng đồng người dân miền bắc Israel trở về nhà một cách an toàn”, ông nói.
Gần một năm trước, khoảng 60.000 người Israel đã phải sơ tán khi lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon bắt đầu pháo kích vào khu vực biên giới ở miền bắc Israel.
Hezbollah, được một số quốc gia coi là tổ chức khủng bố, đã lập luận rằng pháo kích của họ là để hỗ trợ cho Hamas trong cuộc xung đột với Israel ở Gaza.
Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, mô tả tình hình hiện nay là “gần như là một cuộc chiến tranh toàn diện”.
Tuy nhiên, theo bà Sanam Vakil, giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh, sự leo thang và hoạt động quân sự hiện tại chủ yếu đóng vai trò “lý do chính đáng hoặc ngụy biện cho việc Israel tìm cách đưa những công dân phải di dời trở về phía bắc”.
Theo quan điểm của bà, có ba mục tiêu khác nhau thúc đẩy các cuộc tấn công hiện tại của Israel vào Lebanon.
“Đầu tiên, Israel đang cố gắng xóa bỏ sự liên kết giữa mặt trận Gaza và Hezbollah ở biên giới”, bà nói.
“Israel không thể đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và không thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Hezbollah vì vấn đề Gaza”, Vakil cho biết.
Trong khi đó, Trục kháng chiến, bao gồm các quốc gia như Iran và nhiều lực lượng dân quân như Hezbollah, Hamas và Houthi có trụ sở tại Yemen, đã tập trung vào việc thống nhất lực lượng đồng thời gây sức ép với Israel kể từ ngày 7/10 năm ngoái.
“Thứ hai, tất nhiên, Israel phải đối mặt với mối đe dọa an ninh thường trực từ Hezbollah ở Lebanon”, bà nói.
Năm 2006, cuộc chiến kéo dài một tháng giữa Hezbollah và Israel đã kết thúc bằng việc chấp thuận Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc, với các điều kiện bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức, triển khai quân đội Lebanon và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới miền nam Lebanon, rút quân đội Israel và Hezbollah khỏi khu vực đó, cũng như giải giáp Hezbollah.
Tuy nhiên, Hezbollah không rút lui về Sông Litani của Lebanon, cách biên giới khoảng 40 km về phía bắc, và lực lượng dân quân Shiite cũng không từ bỏ vũ khí. Trong những năm kể từ đó, với sự hỗ trợ của Iran, trang thiết bị quân sự và số lượng chiến binh được đào tạo của Hezbollah đã tăng lên gấp bội.
Điều này cũng dấy lên lo ngại rằng các chiến binh Hezbollah có thể bắt cóc công dân Israel đến lãnh thổ của họ trong tương lai. Vakil cho biết: “Israel (một lần nữa) đang tìm cách buộc Hezbollah chấp nhận Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
“Thứ ba, với hoạt động này ở Lebanon, xung đột ở Gaza đang bị lu mờ”, Vakil nói. Mặc dù giao tranh vẫn tiếp diễn ở Gaza sau gần một năm và hơn 90 con tin vẫn bị Hamas giam giữ, quốc tế vẫn chuyển hướng chú ý sang sự leo thang căng thẳng ở Lebanon.
Vakil cho biết: “Israel không có chiến lược nào để rút khỏi Gaza và cũng không nêu rõ kế hoạch cho tương lai, và chắc chắn không nói về tiến trình giữa Israel và Palestine”.
Theo quan điểm của bà, cuộc chiến ở Lebanon “là sự đánh lạc hướng khỏi tình trạng thiếu chiến lược (của Israel) ở Gaza”.
Trong khi đó, người dân Israel ngày càng mất kiên nhẫn, ngày càng tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu, buộc ông phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo con tin được trả tự do.
Lorenzo Trombetta, nhà phân tích và cố vấn về Trung Đông tại Beirut cho các cơ quan của Liên hợp quốc, chia sẻ: “Theo quan điểm của Israel, áp lực chính trị trong nước rất lớn và đang gia tăng từng tuần”.
Ông cho rằng việc đạt được sự đồng thuận đã trở thành bước đi quan trọng đối với chính phủ Israel. Một cách để đạt được điều này là đảm bảo an ninh cho miền bắc Israel.
“Tuy nhiên, thật khó để nói liệu Israel có thể đạt được điều này hay không. Ai biết được liệu chiến dịch trên bộ của Israel có bắt đầu hay không và khi nào? Và Iran sẽ phản ứng thế nào nếu Hezbollah đang trên bờ vực thất bại hoàn toàn trước Israel?”, Trombetta đặt câu hỏi.
Hoài Phương (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/israel-dang-co-gang-dat-muc-dich-gi-khi-tan-cong-hezbollah-post313840.html