Tên lửa mới mang tên Fattah-2, được IRGC công bố tại một buổi lễ ở Tehran với sự tham dự của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Fattah-2 được đánh giá là thiết bị lướt siêu vượt âm, công nghệ không có nhiều quốc gia sở hữu trên thế giới.
Theo hãng tin IRNA, Fattah-2 được trang bị phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV), có khả năng cơ động và lướt ở tốc độ gấp tối thiểu 5 lần âm thanh. Chúng thường được gắn trên tên lửa đạn đạo và có thể thay đổi đáng kể quỹ đạo bay sau khi phóng.
Điều này khiến chúng trở thành mục tiêu khó đánh chặn đối với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa so với đầu đạn đạn đạo truyền thống di chuyển theo quỹ đạo vòng cung dễ dự đoán hơn.
Theo truyền thông Iran, Iran là quốc gia thứ tư trên thế giới sử dụng công nghệ này, bên cạnh Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Trong khi đó, Nga là một trong những quốc gia đã vận dụng thành công công nghệ HGV. Moskva sở hữu tàu lượn Avangard gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt trên hầm chứa như Sarmat. Thiết bị này có khả năng bay nhanh gấp 20 – 27 lần âm thanh (24.000 – 33.000 km/h) và có công suất nổ lên tới 2 megaton, lớn hơn 100 lần so với vụ nổ do bom tạo ra.
Mỹ cũng có chương trình phát triển thiết bị lướt siêu vượt âm và đã tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên, chương trình này không được triển khai đúng tiến độ ban đầu do gặp một số vấn đề khi thử nghiệm. Theo các phương tiện truyền thông, hệ thống vũ khí này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn chưa cung cấp nhiều thông tin kỹ thuật chi tiết về Fattah-2. Hồi tháng 6, Iran đã công bố một loại tên lửa khác có tên Fattah – được xem là tiền thân của Fattah-2. Với tầm bắn 1.400 km và có thể bay nhanh gấp 13 – 15 lần tốc độ âm thanh.
Chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Iran, Tướng Amir Ali Hajizadeh, cho biết vào cuối tháng 6 rằng tầm bắn của Fattah có thể tăng lên 2.000 km, cho phép Iran tiếp cận lãnh thổ Israel – quốc gia mà Tehran xem là kẻ thù không đội trời chung của mình. Đồng thời, Fattah còn có thể thách thức mọi hệ thống phòng không trong khu vực.
Kông Anh(Nguồn: RT)