CTV News đưa tin hàng ngàn người đã phải sơ tán sau khi hàng loạt núi lửa, trong đó có Merapi nằm ở đảo Java, Indonesia phun trào.
Agus Budi Santoso, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan thảm họa địa chất của Indonesia, cho biết hỗn hợp đá và dung nham đã di chuyển sâu tới 2km xuống sườn dốc của núi lửa Merapi. Những cột tro bụi cao tới 100m đã bao phủ một số ngôi làng lân cận, nhưng may mắn không gây thương vong về người.
Merapi (cao 2.968m) là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 ngọn núi lửa trên khắp Indonesia. Vụ phun trào này là vụ phun trào mới nhất kể từ khi các nhà chức trách nâng mức cảnh báo đối với núi lửa này lên mức cao thứ hai hồi tháng 11-2020 sau khi các dữ liệu cảm biến ghi nhận hoạt động địa chất ngày càng tăng tại đây.
Người dân sống trên sườn núi được khuyến cáo nên tránh xa miệng núi lửa tối thiểu 7km và lưu ý các mối đe dọa từ dung nham. Trước đó, một vụ phun trào núi lửa Merapi trong năm 2010 cũng đã cướp đi sinh mạng của 347 người và khiến 20.000 dân làng phải di dời nơi ở.
Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia cho biết ngoài núi lửa Merapi, một số ngọn núi lửa khác cũng đã phun trào vào cuối tuần qua như núi lửa Lewotobi Laki Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra, núi lửa Semeru ở tỉnh Đông Java, hay núi lửa Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku. Chính quyền các địa phương đã phải tiến hành sơ tán hàng ngàn cư dân để đề phòng hiểm họa.
Hiện chưa có thông báo về các thiệt hại sau những vụ phun trào mới nhất này.
MINH CHÂU