Đây là khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hóa trong kho đầu tiên do IFC và SMBC cung cấp. Khoản vay được thực hiện theo chương trình tài trợ kho hàng toàn cầu (Global Warehouse Finance Program – GWFP) của IFC. Khoản tài trợ này kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường tài trợ kho hàng ở Việt Nam hiện còn ở giai đoạn non trẻ. Đồng thời khuyến khích các ngân hàng trong nước tham gia vào chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp để tối ưu hóa các cơ hội tài trợ trong ngành có nhiều tiềm năng này.
GWFP được triển khai nhằm tăng cường nguồn vốn lưu động cho các nhà sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp bằng cách sử dụng hàng hóa trong kho làm tài sản đảm bảo. Được triển khai vào năm 2010, tính đến nay, GWFP đã tài trợ hơn 10 tỉ USD trên phạm vi toàn cầu.
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT TTC AgirS, cho biết giải pháp tài trợ này sẽ là tiền đề cho phép TTC AgriS nhận các khoản vay thông qua việc sử dụng nguyên liệu thô làm tài sản đảm bảo. Điều này sẽ giúp công ty chủ động và linh hoạt hơn trong việc thu mua, dự trữ và phân phối nguyên vật liệu và hàng hóa, hướng đến một hệ thống tối ưu đạt được hiệu quả cao nhất.
“Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác với IFC và SMBC sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế tuần hoàn của TTC AgriS, phù hợp với định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp để khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường về các giải pháp kinh doanh nông nghiệp toàn diện tại Việt Nam và trong khu vực”, bà My cho hay.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết IFC ưu tiên lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp bởi những tác động to lớn về mặt phát triển và xóa đói giảm nghèo mà ngành này có thể mang lại. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và yêu cầu cao hơn về vệ sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam, hai khoản đầu tư trên sẽ giúp đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương và tạo thuận lợi cho dòng chảy giao thương hàng hóa – chìa khóa cho sự phục hồi và khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trong tương lai. Điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế của người dân.