(GLO)- Vừa qua, UBND huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp đầu tư, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Với chính sách mở cửa thu hút đầu tư, huyện kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng các chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Ia Pa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Tuấn, toàn huyện có 33.643 ha đất nông nghiệp (chiếm 38,73% diện tích tự nhiên), trong đó, đất trồng cây hàng năm là 29.800 ha, đất trồng cây lâu năm 3.843 ha. Tổng diện tích gieo trồng trong giai đoạn 2016-2022 đạt 35.578 ha. Riêng năm 2022, các doanh nghiệp và người dân đã chuyển đổi khoảng 1.563 ha đất lúa 1 vụ, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng thuốc lá, dưa hấu, khoai lang, bắp sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô 5-50 ha đối với cây lúa, mía, thuốc lá, bắp sinh khối có sự liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện có 3 sản phẩm OCOP gồm: yến sào Sơn Đông, gạo TBR97 và bưởi da xanh Hoan Bình.
Ngành chăn nuôi của huyện đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Tổng đàn gia súc năm 2022 có gần 111.000 con, chủ yếu là bò, trâu và heo. Toàn huyện có 4 trang trại với quy mô nuôi từ 4.800 con đến 20.000 con heo/năm; 5 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô nuôi từ 2.400 con đến 24.000 con heo các loại; 17 trang trại đang lập thủ tục xin đầu tư.
Quang cảnh hội nghị về giải pháp đầu tư, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi |
Trên cơ sở điều tra, khảo sát, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2025. Trong đó, huyện tiếp tục duy trì một số cây trồng chủ lực như: lúa 3.500 ha, mía 4.100 ha, mì 5.700 ha, điều 2.780 ha, bắp 2.020 ha, thuốc lá 1.100 ha, cây ăn quả 1.800 ha, rau màu 780 ha, cây dược liệu 140 ha. Đồng thời, phân vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên gồm: yến sào, nhung hươu, gạo, thịt dê núi, nấm rơm.
Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hàng năm, nguồn vốn nhà nước đầu tư cho ngành nông nghiệp huyện chỉ khoảng 4-5 tỷ đồng, chủ yếu để sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi. Vì vậy, để hướng đến nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, các doanh nghiệp đóng vài trò đặc biệt quan trọng. Ia Pa hiện có 5 cây trồng chủ lực gồm mía, mì, lúa, bắp, thuốc lá. Gần đây, huyện có thêm một số cây trồng mới khá tiềm năng như ca cao, dưa hấu, khoai lang”.
Mở cửa thu hút đầu tư
Mặc dù mới được đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 30 ha tại xã Pờ Tó nhưng cây ca cao đã cho thấy nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Theo bà Tô Thái Hà-Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức), công suất nhà máy chế biến của Công ty tối đa là 1.000 tấn hạt khô/năm nhưng vùng nguyên liệu ở Đồng Nai mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Mục tiêu của Công ty đến năm 2027 là nhân rộng diện tích ca cao tại Ia Pa lên 1.000 ha trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết với người dân. “Trước mắt, Công ty dự kiến xây dựng 4 mô hình thí điểm với diện tích 0,5 ha/mô hình tại các xã của huyện Ia Pa. Người dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt hệ thống tưới, thuốc bảo vệ thực vật. Công ty có kế hoạch xây dựng trang trại tại xã Pờ Tó để ươm cây giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã, tổ liên kết để sơ chế sản phẩm tại chỗ. Cách làm này vừa tạo việc làm cho lao động địa phương, vừa giúp Công ty giảm chi phí vận chuyển sản phẩm thô”-bà Hà thông tin.
Công ty TNHH một thành viên Bảo Luân dự kiến phát triển vùng nguyên liệu bắp sinh khối 1.000 ha tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi |
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH một thành viên Bảo Luân định hướng phát triển cây bắp sinh khối tại huyện Ia Pa. Ông Nguyễn Quang Vũ-Giám đốc Công ty-cho biết: Bắp sinh khối là cây trồng ngắn ngày, phù hợp với tập quán canh tác cũng như điều kiện sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nhu cầu nguyên liệu cho các trang trại chăn nuôi bò sữa rất lớn. Vì vậy, trong 3 năm tới, Công ty dự kiến phát triển vùng nguyên liệu lên 1.000 ha, trong đó, tập trung vào vụ mùa với khoảng 800 ha. Công ty mong muốn huyện đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu mua, vận chuyển nông sản.
Trên cơ sở ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Trường khẳng định: Tiềm năng nông nghiệp của huyện rất lớn. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn mở cửa chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển sản xuất. Thời gian tới, UBND huyện sẽ huy động các nguồn lực cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông giúp quá trình thu mua, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng. Đồng thời, huyện chỉ đạo UBND các xã cung cấp thông tin đầy đủ về quy hoạch, đề án đánh giá thích nghi đất đai, kế hoạch sử dụng đất, các mô hình, dự án đang triển khai để các phòng, ban liên quan tổng hợp đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện để doanh nghiệp tìm hiểu, lựa chọn đầu tư nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.