Học sinh lớp 4, lớp 5 vẫn còn đọc chậm, phải đánh vần
Trước đó, PV nhận được nhiều luồng thông tin cho rằng nhiều em học sinh lớp 4 và lớp 5 Trường Tiểu học Pờ Ê đọc chậm, viết chậm thậm chí chưa biết đọc và thực hiện các phép tính đơn giản… Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ cùng đi với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông để ghi nhận sự việc trên.
Tại Trường Tiểu học xã Pờ Ê, PV đã cùng phòng GD&ĐT, lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cho một số em học sinh lớp 5A và 5B đọc từng đoạn văn, viết chữ và làm các phép tính đơn giản. Tuy nhiên, theo ghi nhận nhiều em học sinh ở 2 lớp học này còn đọc, viết và tính toán chậm.
Đơn cử như em Y.N và Y.S.N (học sinh lớp 5A và 5B) không những đọc chậm, viết chậm, thậm chí dù đã chỉ từng chữ cái để đọc tuy nhiên các em vẫn phát âm sai. Phải khi giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, đọc “giùm” các em mới có thể hoàn thành bài tập đọc của mình. Ngoài ra khả năng nghe, viết, tính toán của các em cũng rất chậm.
Cô Võ Thị Bích Cơ – giáo viên chủ nhiệm lớp 5B cho biết: “Các em trong lớp đều biết đọc, biết viết và tính toán nhưng vẫn có một số em hơi chậm và đặc biệt có em Y.S.N và A.K là chậm nhất. Lực học của các em hiện tại chắc do khả năng hổng kiến thức từ dưới. Ngoài ra, nhiều chữ ghép các bạn cũng chưa ghép được. Đa phần học sinh trong này cũng thường xuyên sai dấu, dấu huyền đọc thành dấu sắc nên các bạn hay phát âm sai”.
Còn theo cô Y Kiều – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, các em học sinh tiếp thu hơi chậm, từ việc đọc, viết và các phép tính. Các cô giáo phải dạy từ từ và kiên trì thì các em mới có thể tiếp thu. Trong lớp cũng còn nhiều em đọc chậm, trong đó chậm nhất là Y.N.
Ngoài các em học sinh lớp 5, nhiều em học sinh lớp 4 cũng chung tình trạng tương tự. Đặc biệt có em A.Đ dù đã học hết học kỳ 1 – lớp 4 song không những đọc chậm, A.Đ còn phải đánh vần từng chữ cái. Điển hình trong bài đọc luyện đọc “Đi làm nương”, dòng đầu tiên có khoảng 16 chữ nhưng A.Đ phải mất hơn 1 phút mới có thể đọc xong. Tuy nhiên, phần lớn các từ ngữ em phát âm đều sai đặc biệt là những từ ghép.
Theo thầy Lê Tấn Trường Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pờ Ê, trường có 227 em học sinh, trong đó chiếm đến 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. Hàng tuần, hàng tháng nhà trường luôn khảo sát chất lượng của các em ở 5 khối học. Để duy trì sỹ số đảm bảo chất lượng dạy học, nhà trường đã vận động nhiều nguồn tài trợ thực hiện các dự án như: “Nuôi em”, “Trò nghèo vùng cao”… Tuy nhiên, đối việc nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn xã Pờ Ê còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Điển hình là việc phụ huynh không quan tâm đến học sinh, đặc biệt là tới các vụ mùa. Mặc dù nhà trường đã phối hợp với chính quyền vào tận nhà để tuyên truyền nhưng kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn nên phụ huynh thường đưa các em đi theo để giữ em hoặc phụ giúp bố mẹ. Vì không được đi học đều nên lực học của các em còn yếu, tiếp thu chậm.
Có hay không tình trạng ngồi nhầm lớp?
Sau khi cùng PV khảo sát về chất lượng học tập của các em, thầy Lê Tấn Trường Anh cho biết: “Đối với khối lớp 4 có nhiều em tốc độ đọc còn chậm, đọc không đảm bảo theo chuẩn. So với lớp 4 thì các em chưa đạt được chuẩn, tốc độ đọc như vậy rơi vào khoảng lớp 2, lớp 3. Còn đối với các em lớp 5 thì đỡ hơn, không đọc đánh vần, đọc trơn hơn những tốc độ vẫn chậm. Nếu theo chuẩn kiến thức căn bản, những em học sinh đọc chậm ở khối lớp 5 chỉ ở trình độ của lớp 3 đến 4”.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pờ Ê cho rằng: “Do gia đình chưa quan tâm đến con em, phó mặc cho thầy cô và nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh giao con cho nhà trường lại không giao hẳn, tới mùa vụ lại dẫn con đi làm ăn xa. Vì vậy các em thường xuyên phải nghỉ học nên không tiếp thu được kiến thức trên lớp để theo kịp các bạn, đồng thời ý thức tham gia học tập của các em còn kém, chưa tự giác. Ngoài ra, một phần cũng do giáo viên ở trường đa số là giáo viên hợp đồng, thường phải luân chuyển nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc dạy, học”.
Cũng theo thầy Anh, nếu các em đi học đều nhà trường có thể chia ra phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh yếu. Tuy nhiên nếu các em cứ thường xuyên nghỉ học như vậy thì dự kiến năm học 2023-2024 sẽ có khoảng 10 em rơi vào các khối 3,4,5 phải ở lại lớp.
Thầy Lê Văn Đồng – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết: “Ngoài việc thực hiện nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao của Huyện ủy Kon Plông và Tỉnh ủy Kon Tum, từng cơ sở sẽ có phương án cụ thể. Ví dụ Trường Tiểu học Pờ Ê, phòng chỉ đạo đối với BGH nhà trường sau khi khảo sát xong những em nào đọc hơi yếu là phân cho BGH nhà trường xây dựng phương án kèm các em. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng phải chú ý quan tâm các em đó hơn. Ở từng giai đoạn nhà trường phải báo cáo cụ thể và cuối năm phải cam kết các em này phải đạt trình độ ở khối lớp đó”.
Theo thầy Đồng, để mà nói học sinh ngồi nhầm lớp thì không còn nữa, nhưng đối với một số xã lên nông thôn mới cũng còn một vài em đọc hơi yếu. Như chất lượng của học sinh Pờ Ê thì nói chung còn một vài em như mình đi khảo sát là chưa đạt đến chất lượng khối lớp đó. Nhưng trường, phòng cũng có giải pháp đạt được chất lượng để học sinh có thể lên lớp, với phương châm “không để em nào bị rơi lại phía sau, em nào cũng được đi học”.
Bài và ảnh: Trần Hiền