Thứ tưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng.
Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương… đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trí thức kiều bào đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, giúp chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, huy động các nguồn lực quốc tế vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, trí thức NVNONN tăng cường kết nối trên phạm vi khu vực, toàn cầu, tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đội ngũ trí thức NVNONN đang và sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng, đa dạng hơn về lĩnh vực và ngày càng khẳng định được chỗ đứng, vị thế trong môi trường tri thức toàn cầu. Thế hệ trẻ với tư duy sáng tạo đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, là động lực to lớn đóng góp cho nước sở tại và nước nhà.
Với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học công nghệ và kinh tế, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt đối với phát triển và sức mạnh của mỗi quốc gia, việc huy động tốt nguồn lực tri thức của NVNONN sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Kết luận số 12/KL-TW tháng 8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới nhấn mạnh việc phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vậy công tác thu hút nguồn lực kiều bào được triển khai như thế nào trong hai năm qua, thưa Thứ trưởng?
Trong hai năm qua, từ khi Kết luận số 12/KL-TW ra đời và được tích cực triển khai, công tác đối với NVNONN nói chung, công tác phát huy nguồn lực NVONNN nói riêng, được thực hiện đồng bộ, đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ.
Trước hết, nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước không ngừng được nâng cao. Năm 2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh truyền thông Kết luận 12 đến toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II: Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam – Kyushu Thực chất – Hiệu quả – Bền vững”, tại Nhật Bản.
Trên cơ sở đó, năm 2022-2023, các ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề hoặc có nội dung về phát huy nguồn lực NVNONN. Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác NVNONN nói chung và phát huy nguồn lực NVNONN nói riêng thành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động, đề án trong từng lĩnh vực.
Công tác kết nối nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước ngày càng được chú trọng với hình thức, nội dung đa dạng, đổi mới, sáng tạo thực chất với mục đích là khơi thông nguồn lực của NVNONN đối với quê hương đất nước.
Nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề lấy ý kiến kiều bào về các vấn đề phát triển; diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại đầu tư; giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về địa phương hợp tác… được thường xuyên tổ chức.
Tính riêng Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã chủ trì, phối hợp tổ chức khoảng 30 hội nghị, hội thảo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN tiếp tục đóng góp ý kiến cho Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển; tham mưu, tư vấn chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo…
Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến tháng 10/2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác, hoặc theo hình thức đầu tư trong nước (chưa được thống kê riêng).
Kiều hối tiếp tục là điểm sáng trong công tác phát huy nguồn lực NVNONN. Năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Vai trò của kiều bào trong các lĩnh vực văn hoá, du lịch, kết nối giao thương, sức mạnh mềm… ngày càng rõ nét. Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, với định hướng “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, Bộ Ngoại giao đã phát huy tốt vai trò kết nối nguồn lực của NVNONN với địa phương, thông qua nhiều sự kiện nổi bật: Hội nghị “Chuyên gia kiều bào góp ý Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (tháng 8/2022); Đoàn gần 60 doanh nhân kiều bào từ Thái Lan về nước kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại các địa phương (tháng 7/2022); Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 12 tại Hungary và Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II tại Fukuoka, Nhật Bản (tháng 9-10/2023)…
Bên cạnh kết quả đã đã được, chúng tôi cũng nhận thức rõ công tác thu hút nguồn lực NVNONN thời gian qua vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng to lớn của kiều bào; sự kết nối và duy trì quan hệ giữa trí thức, doanh nhân kiều bào với trong nước chưa thực sự vững chắc, khiến kiều bào chưa phát huy được hết thế mạnh của mình; thiếu các chương trình, dự án khả thi thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào hợp tác làm việc; kiều hối chưa tập trung vào đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của đất nước cũng như của các ngành, nghề.
Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như kiều bào còn thiếu thông tin về nguồn lực cần thu hút; các chính sách, quy trình, thủ tục trong nước.
Ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính còn rườm rà và phiền nhiễu, gây ảnh hưởng đến sự nhiệt tình đóng góp của bà con cho đất nước; nhiều kiều bào vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về đầu tư, làm việc lâu dài ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung.
Theo bà, trong thời gian tới, cần có chính sách đột phá gì để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào – đặc biệt là nguồn lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, đóng góp cho đất nước?
Như tôi đã nói ở trên, tiềm lực của kiều bào ta cả về nhân lực, vật lực, chất xám còn rất lớn, có thể coi là ngoại lực và cũng là nội lực thúc đẩy phát triển của đất nước.
Chúng ta cần thực sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn lực kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước, coi kiều bào mạnh cũng là đất nước mạnh và ngược lại.
Cần có quyết tâm và chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác huy động nguồn lực quan trọng này hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Có thể nêu một số nhóm biện pháp lớn như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, chuyên gia kiều bào. Theo đó, cần rà soát và có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các quy định về khuyến khích NVNONN tham gia các hoạt động trên mọi lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực cần ưu tiên đặc biệt cho phát triển như khoa học và công nghệ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, mạnh dạn trao quyền, mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cơ sở… có nhu cầu sử dụng chuyên gia, trí thức NVNONN về làm việc.
Thứ hai, cần chú trọng tạo dựng môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm, để từ đó chiêu mộ những nhân tài, chuyên gia, trí thức NVNONN về làm việc lâu dài, góp phần nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ của đất nước; có chiến lược đầu tư cho một số trung tâm trong các lĩnh vực ưu tiên, với vai trò là đầu mối kết nối với các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trên thế giới và là đầu tàu nhằm cải tiến nền khoa học công nghệ nước nhà.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tiếp Giáo sư Trần Thanh Vân cùng phu nhân là Giáo sư Lê Kim Ngọc.
Thứ ba, mỗi địa phương, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp; có chính sách sử dụng hiệu quả những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển; mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về.
Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phục vụ thu hút nguồn lực kiều bào gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức NVNONN; hỗ trợ cho các chuyên gia, trí thức NVNONN về nước làm việc; thành lập một số trung tâm xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế; cung cấp cho vay tín dụng ưu đãi khi kiều bào thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Baoquocte.vn