Truyền thông Thái Lan đưa tin, chiều 28.8, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngay khi vừa nhậm chức đã dành thời gian gặp lãnh đạo các hãng hàng không hàng đầu Thái Lan, trong đó có ThaiAirway, Thai Vietjet, Thai Airasia… để trao đổi về phát triển du lịch.
Cuộc gặp này cho thấy, ông Srettha Thavisin và Chính phủ mới chú trọng đến vai trò của hàng không trong phát triển du lịch. Điều này cũng dễ hiểu, giao thông là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch, trong đó hàng không là phương tiện vận tải hành khách an toàn và thuận tiện nhất. Thái Lan đã và đang khai thác tối đa lợi thế này để làm du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm, Thái Lan thu hút hơn 12 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của đất nước chùa Vàng là thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế năm nay. Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam là 8 triệu lượt khách quốc tế, một con số khiêm tốn so với nước bạn.
Nếu xét về những tiêu chí di sản và thắng cảnh, Việt Nam không hề thua kém Thái Lan. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới, trở thành điểm đến thu hút trên bản đồ du lịch của địa cầu như vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng…
Song, một trong những yếu tố quan trọng khiến du khách quốc tế tìm đến một địa danh nổi tiếng là giao thông thuận tiện. Trong thời đại con người ngày càng tiết kiệm thời gian ngày nay, máy bay là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
Ông Srettha Thavisin chia sẻ định hướng phát triển du lịch, trong đó có kế hoạch miễn visa trong 6 tháng cho các thị trường khách du lịch lớn hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ từ 10.2023. Đối với hai thị trường “tỉ dân” này, việc miễn visa sẽ tạo nên cú đột phá cực lớn, và mục tiêu thu hút khách quốc tế năm 2023 có thể vượt lên con số 30 triệu khách. Bởi vì, trước đại dịch, du khách Trung Quốc chiếm tới 20% tổng lượng khách quốc tế đến Thái Lan.
Việt Nam vừa có những chính sách mới về du lịch để thu hút khách quốc tế, cụ thể như người nước ngoài có thể xin visa điện tử thông qua hình thức trực tuyến, mở rộng thời hạn cấp e-visa lên tối đa 90 ngày. Đối với công dân các nước được miễn thị thực đơn phương, sẽ có thời hạn miễn thị thực nhập cảnh tại Việt Nam kéo dài tới 45 ngày, tăng gấp 3 lần so với thời hạn trước đây.
Những chính sách trên có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, chắc chắn sẽ tăng trưởng hơn năm trước, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhưng bên cạnh visa và thời hạn lưu trú, cần có chính sách hỗ trợ để hàng không khai thác được thế mạnh, góp phần vào phát triển kinh tế du lịch quốc gia.
Các hãng hàng không trong nước phải năng động, nghiên cứu mở các đường bay trong nước và quốc tế, tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho du khách. Ở góc độ quản lý, cần hỗ trợ để thực hiện nhanh nhất các thủ tục mở đường bay. Phát triển du lịch bằng đường hàng không không chỉ cần có máy bay, mà còn là cơ sở hạ tầng hàng không. Cùng với những chuyến bay thuận tiện và an toàn, còn phải có những sân bay hiện đại đáp ứng các yêu cầu của các hãng hàng không, phục vụ hành khách với chất lượng cao và văn minh.
Thanhnien.vn