Bà Hoàng Thị Phúc (55 tuổi), bán bánh bèo đã gần 15 năm dưới chân núi Nhạn (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), chia sẻ: “Muốn bánh bèo ngon, đầu tiên gạo phải đạt chất lượng, không được mắc mưa; nếu là gạo mắc mưa chắc chắn bánh sẽ sượng, cứng, không dẻo, dai. Tiếp đến là khâu lấy bột, phải canh nước vừa đủ; bột lỏng bánh sẽ không dẻo, đặc quá thì bánh sẽ không xoáy. Tiếp nữa là canh lửa, lửa phải vừa đủ bánh mới se, lên xoáy đẹp”.
Một chén bánh bèo ngon không thể thiếu mắm ớt, mắm ớt quyết định 40% độ ngon của món ăn. Khác với mắm ớt ở nhiều nơi thường pha thêm nước ấm, người Phú Yên ăn rất đậm đà nên mắm thường mặn hơn, cay hơn. Bà Phúc nói thêm: “Vì ở gần biển nên tôi thường tự muối cá làm mắm, mắm làm ra vừa có mùi thơm đậm đà, vừa lên màu rất đẹp, ăn vào cũng có vị đặc trưng hơn so với khi dùng nước mắm công nghiệp”.
Theo lời kể của bà Nguyễn Trần Vi Thúy (51 tuổi, người địa phương), cách đây 15 – 20 năm, bánh bèo của cô Mai nổi tiếng rất đơn giản: chỉ là bánh bèo nóng, thêm ít mỡ hẹ, một ít đậu phộng rang, thêm ít mắm ngon. Cái hút khách của bánh bèo cô Mai nằm ở độ dai dẻo, độ chắc của bánh. Cô Mai sử dụng gạo Tuy Hòa để làm bánh, gạo sau khi được ngâm qua đêm sẽ đem xay bằng cối đá, lấy trụng bột bằng nước ấm rồi đổ bánh bằng bếp củi.
“Có lẽ vì làm thuần thủ công nên bánh bèo cô Mai luôn mang một hương vị riêng. Cô Mai nay cũng đã ngoài 70 tuổi, không còn bán bánh nữa, thay vào đó con của cô nối nghề làm bánh, mở quán ở TP.HCM lấy tên gọi bánh bèo Cô Mai”, bà Thúy cho biết.