Triển vọng từ các mô hình mới
Với mục tiêu cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Loan, xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) đã lựa chọn phương thức chăn nuôi hữu cơ kết hợp chăn thả bán tự nhiên ở vườn đồi. Các thức ăn sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là rau, ngô, chuối kết hợp với cám gạo... Nhờ đó cho ra thị trường những sản phẩm thịt thương phẩm chất lượng, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Loan cho biết: Lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ có đầu ra rộng mở, thu nhập mang lại cao hơn nên mỗi năm gia đình lại nâng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh hướng đi là nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đang chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT vào các khâu sản xuất, chế biến nhằm gia tăng năng suất, chất lượng. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Đặng Bá Mạnh, xã Hải Hòa (TP Cẩm Phả). Anh Mạnh cho biết: “Mô hình nuôi tôm này được xây dựng trên tổng diện tích 6ha, trong đó 4ha dành cho khu xử lý và dự trữ nước, 2ha ao nuôi tôm gồm 12 ao nuôi với diện tích từ 500-1.000m2/ao. Công nghệ nuôi tôm chúng tôi áp dụng rất tiên tiến theo 3 giai đoạn và được nuôi trong nhà bạt cải tiến. Với việc ứng dụng công nghệ cao, các yếu tố về môi trường nuôi như nhiệt độ, độ ẩm… sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó giúp tôm sinh trưởng tốt, phòng tránh được dịch bệnh và nuôi được quanh năm".
Cùng với ứng dụng KHCN và lựa chọn canh tác theo hướng an toàn để nâng cao giá trị nông sản thì nhiều hộ nông dân cũng đang tranh thủ tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp để phát triển du lịch sinh thái. Hoa quả viên của ông Vũ Minh Thường, xã Sơn Dương (TP Hạ Long) là một ví dụ. Sẵn có diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, cùng diện tích đất vườn rộng, vài năm trở lại đây, ông Thường chuyển hướng sang đầu tư mô hình du lịch trải nghiệm. Nhà vườn được ông chỉnh trang lại, trồng thêm hoa, cây cảnh, đào ao, làm chòi câu cá. Ông cũng tận dụng vườn tược trồng rau, nuôi gà để cung cấp thực phẩm cho du khách có nhu cầu. Nhờ hướng đi này, trang viên của ông trở thành điểm đến thường xuyên của du khách mỗi dịp cuối tuần. Ông Thường cho biết: Ở xã Sơn Dương, nhiều hộ đã bắt nhịp xu hướng để phát triển du lịch nông nghiệp. Chúng tôi cũng liên kết với nhau để thiết lập các điểm trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và tăng thu nhập, phát triển bền vững.
Nhiều giải pháp, cách làm
Thông qua những mô hình mới, phương thức canh tác hiện đại, an toàn, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã, đang dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp. Từ sự đổi mới trong suy nghĩ và cách làm của người dân, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Theo HND tỉnh, xác định việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh dựa trên nền tảng KHCN, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi mà các cấp hội đang tập trung. Do đó, các cấp HND trong tỉnh sẽ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân, trong đó chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên, nông dân. Đặc biệt là vận động hội viên, nông dân chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Ngoài ra, các cấp Hội cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, ưu tiên những mô hình mới, có giá trị kinh tế cao, ứng dụng KHKT, sản xuất sạch, an toàn. Với hướng đi là du lịch nông nghiệp, Hội cũng đang khuyến khích người dân tập trung khai thác thế mạnh sẵn có về vùng sản xuất, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như xây dựng những sản phẩm đi kèm đủ hấp dẫn để thu hút du khách.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao KHKT tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân; thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hóa nông sản, phát triển sản phẩm OCOP; cung ứng thiết bị, vật tư đầu vào, đầu ra trong nông nghiệp cho hội viên nông dân...
Để tiếp sức cho hội viên, nông dân, hiện tại HND các cấp cũng đang duy trì các kênh vốn vay qua ủy thác ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong đó, những mô hình kinh tế có ứng dụng khoa học, sản xuất hữu cơ, VietGAP, dự án có liên kết sản xuất.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/huong-di-ben-vung-vi-muc-tieu-nong-dan-giau-co-3353427.html
Bình luận (0)