Liên quan nội dung này, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Hải Quân (ảnh), Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, về Chương trình phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045 (gọi tắt là chương trình).
PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP VI MẠCH LÀ CẤP THIẾT
Vì sao ĐHQG TP.HCM có chủ trương triển khai đề án này, thưa ông?
Không làm chủ được công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn, VN không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn và càng không thể tạo ra các sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò đóng góp quan trọng của các trường ĐH, viện nghiên cứu. Ở trong nước, xuất phát từ chủ trương của Đảng, định hướng chiến lược của Chính phủ, nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu và chương trình đào tạo vi mạch đã được hình thành trong thời gian qua.
Năm 2005, ĐHQG TP.HCM đã thành lập Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ lõi. Trung tâm ICDREC đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo được các chip vi xử lý 8-bit SG8v1, chip vi xử lý 32-bit VN1632, và một số lõi IP ứng dụng bảo mật dữ liệu.
Năm 2018, ĐHQG TP.HCM đầu tư hơn 60 tỉ đồng để thành lập Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa. Trong năm 2024, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 80 tỉ đồng cho 2 phòng thí nghiệm mới về công nghệ vi mạch bán dẫn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ thông tin, với nhiều trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thu hút và tập hợp các nhà khoa học và chuyên gia vi mạch giỏi trong và ngoài nước, nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố công trình khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp vi mạch cả nước.
Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) tài trợ với tổng kinh phí 15 triệu USD, kéo dài trong 5 năm từ 2022 – 2026, ĐHQG TP.HCM đang đề nghị một số trường ĐH hàng đầu của Mỹ hỗ trợ đổi mới chương trình đào tạo thiết kế vi mạch.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch VN bằng chính nội lực trong nước để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước và góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng là điều rất cấp thiết. Đây cũng là lý do ĐHQG TP.HCM chủ trương triển khai đề án này.
ĐÀO TẠO TRÊN 1.500 KỸ SƯ và 500 THẠC SĨ VỀ THIẾT KẾ VI MẠCH
Mục tiêu cụ thể ĐHQG TP.HCM hướng tới khi triển khai đề án này như thế nào?
Về đào tạo, ĐHQG TP.HCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch VN và thế giới. Xây dựng khung chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tiên tiến ngành thiết kế vi mạch và triển khai đào tạo trên 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ trong giai đoạn 2023 – 2030. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư. Xây dựng chiến lược đào tạo và nghiên cứu giai đoạn 2030 – 2045 để bảo đảm nguồn lực cho sự phát triển thành công và bền vững của nền công nghiệp vi mạch VN.
Về nghiên cứu, mục tiêu ĐHQG TP.HCM hướng đến là xây dựng Viện nghiên cứu bán dẫn trực thuộc làm đầu mối phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, hiện đại trong lĩnh vực vi mạch, đẩy mạnh chế tạo thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và phát minh sáng chế, làm chủ một số công nghệ lõi. Qua đó, phát triển mạng lưới giảng viên và chuyên gia thông qua hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và thành lập công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
NHỮNG CHÍNH SÁCH THU HÚT NGƯỜI GIỎI
Xin ông cho biết đâu là thế mạnh cũng như những thuận lợi khi xây dựng chương trình này?
Đầu tiên, từ định hướng phát triển nền công nghiệp vi mạch của Chính phủ và TP.HCM, nhiều năm qua ĐHQG TP.HCM đã hình thành và phát triển các trung tâm, nhóm nghiên cứu và chương trình đào tạo đại học, sau đại học, ngắn hạn về thiết kế vi mạch. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, ĐHQG TP.HCM ưu tiên phát triển chương trình đào tạo một số lĩnh vực then chốt, trong đó có lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
ĐHQG TP.HCM cũng đã chủ động xúc tiến hợp tác với các trường ĐH lớn, có thế mạnh trong đào tạo thiết kế vi mạch khu vực châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản) để hoàn thiện khung chương trình đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng và nâng cấp các phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu về lĩnh vực này để phục vụ cho các chuyên gia và người học tại ĐHQG TP.HCM nói riêng và khu vực phía nam nói chung.
Các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQG TP.HCM có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành. Trong lĩnh vực toán, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa hằng năm có khoảng gần 6.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp; đội ngũ giảng viên và chuyên gia nghiên cứu được đào tạo chính quy, có mối liên kết tốt với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại TP.HCM. Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ vi mạch và bán dẫn nước ngoài đầu tư mạnh vào VN và TP.HCM, đẩy nhu cầu nhân lực ngành thiết kế vi mạch tăng cao trong 10 – 15 năm tới.
Để đạt được các mục tiêu trên, ĐHQG TP.HCM có những cơ chế, chính sách cụ thể gì để thu hút đội ngũ nhân lực giỏi theo học và tham gia nghiên cứu?
Trước mắt, ĐHQG TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho các trường thành viên mở ngành thiết kế vi mạch (trình độ đào tạo ĐH và sau ĐH) thí điểm, đồng thời liên kết đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ với các trường ĐH lớn, có uy tín trong đào tạo thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ đối với giảng viên và chuyên gia ngành thiết kế vi mạch, đặc biệt là thu hút chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia đào tạo trong lĩnh vực này. Với người học, chính sách tuyển sinh nhằm thu hút sinh viên tài năng tham gia ngành thiết kế vi mạch. Đặc biệt là chính sách học bổng đối với học viên sau ĐH, do đặc thù thời gian đào tạo kéo dài và yêu cầu thực hành thực tế của ngành đào tạo.
Trong nghiên cứu khoa học, sẽ ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ cho các đề tài về thiết kế vi mạch; hỗ trợ thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hợp tác với các chuyên gia công nghiệp và quốc tế để nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chế tạo thử nghiệm thông qua dịch vụ MPW (Multi-Project Wafer) do người học cần thực hành thực tế để nâng cao kinh nghiệm thiết kế.
Nền công nghiệp vi mạch toàn cầu dự kiến đạt khoảng 1.921,42 tỉ USD năm 2032
Nền công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đang có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu thị trường vi mạch tích hợp toàn cầu được ước tính là 562,53 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt khoảng 1.921,42 tỉ USD vào năm 2032. Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất.