Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lợi thế khởi nghiệp từ đặc sản vùng cao

Việt NamViệt Nam08/04/2025


1.jpg
Nhiều bạn trẻ ở Trà My lựa chọn việc phát triển sản phẩm từ các loại cây bản địa. Ảnh: PHAN VINH

Sản phẩm gắn với thiên nhiên

Gia đình chị Nguyễn Thị Kiều (SN 1992, tổ dân phố Mậu Cà, thị trấn Trà My) lâu nay làm kinh tế vườn, trồng nhiều loại cây gia vị như nghệ, sả, tía tô, mướp đắng... Trước đây, các sản phẩm nông sản chủ yếu bán tươi cho thương lái, giá trị thấp, phụ thuộc đầu ra.

Sau khi tìm hiểu phương pháp làm xà bông thảo dược từ nghệ tươi và sả chanh trên internet, chị Kiều mày mò thử nghiệm, cải tiến công thức và cho ra đời sản phẩm xà bông thiên nhiên an toàn với làn da người dùng. Năm 2024, chị tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo huyện Bắc Trà My với sản phẩm xà bông nghệ tươi và đoạt giải Ba.

2.jpg
Chị Nguyễn Thị Kiều sản xuất nhiều sản phẩm xà bông từ nguyên liệu địa phương. Ảnh: PHAN VINH

Được tiếp thêm động lực, chị tiếp tục nghiên cứu và mở rộng sản phẩm như xà bông tía tô, xà bông mướp đắng, xà bông quế, xà bông mật ong… tất cả đều sử dụng nguyên liệu sẵn có từ vùng cao Trà My. Hiện nay, ngoài bán tại địa phương, sản phẩm được phân phối qua kênh online, với hơn 5kg xà bông thành phẩm mỗi tháng.

"Mới hơn một năm kể từ khi bắt đầu, mình rất vui vì sản phẩm được thị trường đón nhận. Mình tin rằng xà bông thảo dược - sản phẩm lành tính từ thiên nhiên - đang là xu hướng tiêu dùng hiện đại. Thời gian tới, mình muốn mở rộng quy mô, hoàn thiện nhãn hiệu để từng bước xây dựng thương hiệu".

Chị Nguyễn Thị Kiều

Cũng tại thị trấn Trà My, chị Tăng Thị Thương khởi nghiệp với bộ sản phẩm chăm sóc tóc gồm dầu gội ngải cứu lên men và kem ủ tóc từ dầu dừa lên men. Là kỹ sư công nghệ thực phẩm, chị Thương không chọn con đường làm việc trong phòng thí nghiệm, mà trở về quê phát triển các sản phẩm từ tài nguyên địa phương.

3.jpg
Chị Tăng Thị Thương sản xuất dầu gội từ cây ngải cứu. Ảnh: PHAN VINH

Sản phẩm dầu gội của chị Thương có thành phần 100% từ thiên nhiên, đặc biệt ứng dụng công nghệ lên men giúp giữ nguyên dược tính của dược liệu, hỗ trợ làm đen tóc, giảm gàu và nấm ngứa da đầu. Với ý tưởng này, chị đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo huyện Bắc Trà My năm 2024. Hiện sản phẩm đã có mặt tại một số điểm bán hàng OCOP của huyện.

Lan tỏa ý tưởng

Phong trào khởi nghiệp tại Trà My nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ trong lực lượng đoàn viên nhờ sự dẫn dắt của Bí thư Đoàn thị trấn - chị Nguyễn Thị Hoàng My. Cũng chính chị My là người trực tiếp trải nghiệm quá trình khởi nghiệp từ sản phẩm đặc sản địa phương.

Năm 2022, khi UBND huyện Bắc Trà My phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chị My xây dựng thành công ý tưởng sản xuất bánh tráng quế Trà My, một đặc sản địa phương và đoạt giải Nhì, sau đó được công nhận là dự án khởi nghiệp cấp tỉnh. Năm 2023, chị tiếp tục tham gia với sản phẩm muối ớt xiêm, đoạt giải Khuyến khích cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh.

4.jpg
Chị Nguyễn Thị Hoàng My (bên trái) tư vấn thiết kế bao bì cho đoàn viên khởi nghiệp. Ảnh: PHAN VINH

Từ chính trải nghiệm thực tế, chị Hoàng My tích cực hướng dẫn các bạn trẻ cụ thể hóa ý tưởng, từ xây dựng công thức sản phẩm đến thiết kế bao bì, nhãn mác, liên hệ đơn vị in ấn, chai lọ và hỗ trợ thủ tục hành chính như kiểm nghiệm chất lượng, công bố sản phẩm.

Với nhiều bạn trẻ ở vùng cao, việc xây dựng dự án, lập hồ sơ ý tưởng, kỹ năng thuyết trình… còn nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy, Đoàn thị trấn đã chủ động giới thiệu các bạn tham gia các lớp tập huấn do huyện và tỉnh tổ chức. Với các sản phẩm đạt giải, chúng tôi còn hỗ trợ nâng cấp bao bì, truyền thông sản phẩm trên các nền tảng số.

Chị Nguyễn Thị Hoàng My - Bí thư Đoàn thị trấn Trà My

5.jpg
Huyện Bắc Trà My tổ chức tập huấn các kỹ năng khởi nghiệp cho chủ thể địa phương. Ảnh: PHAN VINH

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ cá nhân, Đoàn thị trấn Trà My còn làm cầu nối đưa sản phẩm khởi nghiệp tham gia các sự kiện trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP, ngày hội khởi nghiệp cấp huyện, tỉnh. Qua đó, nhiều dự án đã gặp gỡ đối tác, gửi sản phẩm mẫu và đang xúc tiến mở rộng thị trường.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ định hướng các bạn đưa sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, từng bước chuyên nghiệp hóa, gắn với thế mạnh vùng cao. Khởi nghiệp ở vùng miền núi có nhiều thách thức, nhưng nếu biết tận dụng tài nguyên bản địa thì đó lại là một lợi thế riêng” - chị My khẳng định.

[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Hoàng My nói về những hỗ trợ của Đoàn thị trấn Trà My với các dự án khởi nghiệp:

Thời gian qua, Huyện Đoàn Bắc Trà My đã phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, bao gồm các chương trình tập huấn và hỗ trợ vốn. Theo đó, huyện Bắc Trà My đã công nhận gần 50 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và 26 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Trong đó, 18 sản phẩm vẫn còn thời hạn hiệu lực.



Nguồn: https://baoquangnam.vn/loi-the-khoi-nghiep-tu-dac-san-vung-cao-3152280.html

Chủ đề: khởi nghiệp

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm