Thực hiện Quyết định số 2461/QĐ-BTNMT ngày 25/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành Kế hoạch Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2023 – 2024. Theo đó, Kế hoạch xác định mục tiêu chung là thực thi nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng và tiến đến từ bỏ các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá và nguy cơ hít phải khói thuốc lá thụ động gây ra. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng mô hình “công sở không khói thuốc” trong các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế đã trình bày tham luận Tác hại của hút thuốc lá, thuốc lá điện tử và các nội dung chính của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và hướng dẫn thực hiện. Đáng chú ý là các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Bởi, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Nhằm giảm tỷ lệ hút tthuốc trong thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 6036/CT-BGD ĐT ngày 17/12/2014 quy định rõ về thực hiện Luật PCTHTL. Trong đó có 9 tiêu chí xây dựng trường học không khói thuốc như: Niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại; Treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng học, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang, các khu công cộng khác trong phòng; Có kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; Triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên trường học; Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng học, phòng làm việc; Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất ký hình thức nào; Đưa nội dung không hút thuốc vào tiêu chí bình xét thi đua cán bộ, giáo viên, học sinh… (khuyến khích) và không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá trong các lớp học, phòng làm việc và trong toàn bộ khuôn viên nhà trường – ThS. Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ thêm.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: Trong thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Năm 2023, Quỹ đã tiếp tục hỗ trợ hơn 100 đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc. Đối với sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng chế độ, chính sách để động viên, khen thưởng và khuyến khích cán bộ, giáo viên và sinh viên tham gia lâu dài đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt là, xây dựng cơ chế tài chính đối với hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá và thuốc hỗ trợ cai nghiện.
Hội nghị nhận được sự tham gia của các thầy cô và hơn 400 sinh viên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Đây cũng là dịp để các sinh viên chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá tại trường, góp phần xây dựng môi trường trường học không khói thuốc một cách có hiệu quả.