Tại cánh đồng thôn Yên Tố, xã Phong Hóa, những mảng ruộng màu xanh non đẹp mắt ngày nào nay đã chuyển sang vàng sậm, nâu đen do bệnh đạo ôn bùng phát và lây lan nhanh chóng. Nhiều chân ruộng, cây lúa đã bị cháy khô, thối rữa không còn khả năng hồi phục.
Bà Hồ Thị Hóa, thôn Yên Tố cho biết, vụ đông-xuân năm nay gia đình bà gieo cấy 3 sào ruộng. Cách đây khoảng 20 ngày, khi thăm ruộng, bà phát hiện cây lúa bị vàng từ lá xuống thân, bệnh chỉ mới xuất hiện ở một vài đám nhỏ sau đó lan nhanh ra cả mấy thửa. Khi phát hiện lúa bị bệnh, bà đã báo với trưởng thôn và cán bộ xã về kiểm tra, sau đó được hướng dẫn mua thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn về phun nhưng không hiệu quả. Chỉ trong vòng 10 ngày, cả 3 sào ruộng của gia đình bà đã bị nhiễm bệnh nặng, nay chỉ còn cách phá bỏ, coi như vụ lúa năm nay mất trắng.
|
Anh Nguyễn Khánh Đức, công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Phong Hóa cho biết, toàn xã có 15ha lúa bị bệnh đạo ôn và khô đầu lá. Trong đó, Yên Tố là một trong những thôn bị nặng. Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn, khô đầu lá, rầy nâu, rầy lưng trắng và chuột tiếp tục phát sinh gây hại. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của dịch hại, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ đúng kỹ thuật nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng”, anh Nguyễn Khánh Đức chia sẻ.
Đức Hóa cũng là địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh lớn với gần 70ha. Trong đó bệnh đạo ôn hơn 29ha, bệnh khô đầu lá 40ha. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Nguyễn Đức Lợi cho biết, bệnh đạo ôn xuất hiện từ ngày 15/3 đến nay còn bệnh khô đầu lá mới xuất hiện từ ngày 4/4. Ngoài ra, khoảng 19ha bị chuột phá hại với tỷ lệ phổ biến từ 1-2%. Ngay khi phát hiện sâu bệnh gây hại, UBND xã đã có thông báo và hướng dẫn bà con nhân dân cách phòng trừ nhưng do thời tiết diễn biến phúc tạp, sáng sớm có sương mù, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời lạnh, độ ẩm cao nên tình hình sâu bệnh chưa giảm mà thậm chí còn phát triển rộng thêm.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Tuyên Hóa có trên 550ha lúa bị nhiễm sâu bệnh. Trong đó, nhiều nhất là bệnh khô đầu lá với 420ha ở các xã Mai Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Cao Quảng, Sơn Hóa, Kim Hóa… Tỷ lệ bệnh từ 30-40%, nơi cao từ 60-80%; bệnh đạo ôn lá 93ha ở các xã Hương Hóa, Thanh Hóa, Lâm Hóa, Phong Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa, Thạch Hóa, Đức Hóa, Kim Hóa, Cao Quảng… Tỷ lệ bệnh từ 7-10%, nơi cao từ 15-20%, cấp bệnh phổ biến từ 3-5, cục bộ cấp 7-9; bệnh đốm sọc vi khuẩn 22ha ở các xã Mai Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Kim Hóa… Tỷ lệ bệnh 15-20%, cấp bệnh phổ biến từ 1-3. Ngoài ra, tại một số địa phương cũng xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với diện tích khoảng 17ha ở các xã Tiến Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa… Mật độ phổ biến từ 200-300 con/m2.
|
Để phòng trừ sâu bệnh, thời gian qua các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cùng người dân đã chủ động vào cuộc nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Tuy nhiên tình hình sâu bệnh vẫn chưa giảm mà còn có chiều hướng lan rộng. Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã trực tiếp kiểm tra tại các địa phương và chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình, xác định các loại sâu bệnh trên từng chân ruộng để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, tình hình sâu bệnh hại lúa và cây trồng bùng phát đang khiến chính quyền địa phương và bà con nông dân hết sức lo lắng. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa, giống lúa và xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh, diện tích cần phòng trừ của từng đối tượng. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nặng, huyện chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp đến từng chân ruộng, từng hộ nông dân để hướng dẫn biện pháp phòng trừ cụ thể, đặc biệt là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa. UBND huyện Tuyên Hóa cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng đầy đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật, trực tiếp hướng dẫn địa phương và người dân sử dụng đúng cách, đúng nồng độ, liều lượng; không dùng thuốc hết hạn sử dụng, thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc trôi nổi trên thị trường.
UBND huyện Tuyên Hóa cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để bà con nông dân chủ động thăm đồng, nắm tình hình sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng, chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Văn Tư
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/tuyen-hoa-tap-trung-phong-tru-sau-benh-hai-lua-2225565/
Bình luận (0)