Dù lãi suất về đáy nhưng lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tỉ lệ nghịch, liên tục tạo kỷ lục mới.
Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9.2023, lượng tiền gửi của người dân tiếp tục tăng lên hơn 6,44 triệu tỉ đồng. So với cuối tháng tháng 8.2023, con số này tăng thêm hơn 16.000 tỉ đồng.
So với cuối năm 2022, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng gần 10%. Như vậy, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng liên tiếp trong 13 tháng.
Còn đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9 này, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỉ đồng, tăng đột biến hơn 217.000 tỉ đồng so với cuối tháng 8.
Theo các chuyên gia, do các lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng đang kém hấp dẫn nên người dân chọn kênh gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng để an toàn.
Tháng 9, lãi suất huy động tại các ngân hàng có sự sụt giảm rõ rệt. Thậm chí đến nay, lãi suất huy động gần như về đáy.
Mức lãi suất tiền gửi cao nhất được các ngân hàng đưa về dưới 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 6 – 12 tháng, kể cả ở những nhà băng quy mô vừa và nhỏ. Hiện chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,7%/năm, là HDBank, DongA Bank.
Theo báo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng, tiền gửi của khách hàng tập trung chủ yếu ở các ngân hàng Big4.
Cụ thể, BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,58 triệu tỉ đồng tiền gửi khách hàng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỉ trọng khoảng 84% với hơn 59.000 tỉ đồng.
Tháng 11.2023, lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tại BIDV có mức thấp nhất là 3%/năm được áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng.
Mức 5,3%/năm là mức lãi suất ngân hàng cao nhất được BIDV áp dụng cho khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở lên. Mức lãi suất 0,1%/năm vẫn được áp dụng cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn.