Chương trình Bình ổn thị trường TP.HCM năm nay đem đến cơ hội mua sắm tiết kiệm với hơn 500 mặt hàng giảm giá tới 80%, thông qua các đợt bán hàng lưu động.
Sở Công Thương TP.HCM vừa công bố báo cáo về việc bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%
Chương trình Bình ổn thị trường năm nay tại TP.HCM có sự tham gia của 69 đầu mối các chuỗi cung ứng (tăng 10 doanh nghiệp so với năm ngoái).
Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên TP.HCM triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm).
8 tập đoàn bán lẻ sẽ dẫn dắt chương trình này, cùng hướng đến mục tiêu sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.
Một điểm đáng chú ý là chương trình bình ổn thị trường năm 2024 – 2025 tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Trong đó, chương trình bán hàng lưu động – bình ổn thị trường với chủ đề “Kết nối tiêu dùng – Lan tỏa yêu thương” sẽ được tổ chức luân phiên các địa bàn.
Chương trình có sự tham gia của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán… và nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng, với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.
So với năm ngoái, chương trình bình ổn thị trường năm nay tại TP.HCM được mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng.
Ví dụ, bổ sung mặt hàng nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa…
Giá thấp hơn bình quân thị trường ít nhất 5%
Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25 – 43% thị phần.
Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng một.
Riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart… hoạt động xuyên Tết.
Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.
Đồng thời, chương trình không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết.
Bình quân mỗi tháng Tết, chương trình bình ổn trên địa bàn TP.HCM dự kiến cung ứng ra thị trường gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả…
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-500-mat-hang-giam-gia-den-80-dip-tet-nguyen-dan-20250113093727981.htm