Hiện nay giáo viên đang chịu nhiều áp lực về tài chính, các hoạt động chuyên môn, nhưng áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh học sinh.
Đề án khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024 “Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang”, do Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM (IDP-VNU) thực hiện, vừa được công bố chiều 18-11.
Giáo viên đối mặt nhiều áp lực, hơn 40% từng có ý định chuyển nghề
IDP-VNU đã khảo sát diện rộng 12.505 giáo viên tại 3 địa phương trên vào tháng 9 và 10-2024, đồng thời phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp.
Nội dung phỏng vấn và khảo sát liên quan thu nhập, đời sống, tinh thần, động lực theo nghề và mong muốn cải thiện chính sách của giáo viên.
Từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1-7-2024), thu nhập của giáo viên được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình giáo viên đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ.
Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình.
Đánh giá mức độ áp lực tài chính (thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) của giáo viên có mức điểm bình quân khá cao 3,61/5 (5 là rất áp lực).
Trong đó, 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực; chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.
Ngoài áp lực về tài chính, giáo viên còn gặp áp lực bởi các hoạt động chuyên môn như chuẩn bị bài giảng, họp bộ môn, các công việc hành chính, xã hội khác; áp lực liên quan các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh…
Đáng chú ý, có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh. 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.
71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc, tỉ lệ này ở giáo viên mầm non là 87,65%.
Gần 70% giáo viên mầm non không có thời gian hoạt động thể dục thể thao, giải trí và 46% giáo viên ở các cấp khác dành dưới 10% thời gian trong ngày cho hoạt động này.
Thời gian giáo viên dành cho chăm sóc gia đình chỉ chiếm 15,81% quỹ thời gian. Đặc biệt, đối với giáo viên hệ mầm non, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với mặt bằng chung.
Dù thu nhập vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, gặp nhiều áp lực trong công việc, nhưng có tới 94,23% giáo viên cho biết họ tiếp tục theo đuổi nghề vì lòng yêu nghề, yêu trò.
Hơn 63% giáo viên muốn được dạy thêm để tăng thu nhập
25,4% giáo viên được khảo sát cho biết đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học như toán, văn, Anh văn, lý, hóa.
Thời gian dạy thêm của giáo viên cũng tăng dần theo các cấp học: tiểu học 8,6 giờ/tuần, THCS 13,75 giờ/tuần và THPT 14,91 giờ/tuần.
Việc dạy thêm tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất tổ chức của nhà trường và phụ huynh học sinh. Dạy thêm tại trung tâm thường là nhóm giáo viên phụ trách môn ngoại ngữ.
Mặc dù việc dạy thêm tại nhà vẫn đang bị cấm, nhưng các giáo viên vẫn tham gia dạy bằng hình thức trực tiếp hoặc online.
63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online, để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.
Mong muốn cải thiện chính sách của giáo viên
Kiến nghị xây dựng quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ
Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, Đại học Quốc gia TP.HCM mong muốn các cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo quan tâm, chú trọng một số vấn đề.
Thứ nhất, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo: lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (như dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra).
Đây là quy định đột phá, góp phần gia tăng thu nhập cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ, nhà giáo hệ mầm non yên tâm công tác và cống hiến cho giáo dục.
Thứ hai, cần tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo khỏi các áp lực; bảo vệ hình ảnh nhà giáo trong bối cảnh mới.
Giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non; đồng thời kéo dài tuổi công tác cho các giáo viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Thứ ba, về quy định dạy thêm – học thêm, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế công khai minh bạch trong việc dạy thêm; đảm bảo hài hòa với chính sách tiền lương giáo viên.
Thứ tư, xây dựng chính sách khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến của nhà giáo.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách ưu đãi về tài chính (vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ).
Xây dựng quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, giáo viên tài năng, giáo viên vùng đặc biệt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-40-giao-vien-tung-dinh-chuyen-nghe-ap-luc-lon-nhat-cua-giao-vien-den-tu-phu-huynh-20241118163729883.htm