Trong những năm gần đây, cụm từ “Made in Vietnam” đã trở thành một cụm từ quen thuộc, thậm chí mang đến niềm tự hào đối với người Việt. Nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau sự thành công rực rỡ này lại có một nhân tố quan trọng: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG). Khởi nguồn từ năm 2003, chương trình không đơn thuần chỉ là một công cụ quảng bá thương mại, mà còn đứng vững như một chiến lược dài hạn, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu của mình. Với nỗ lực không ngừng, những thương hiệu Việt đã đủ sức vươn mình mạnh mẽ và tỏa sáng trên sân chơi quốc tế.
Kể từ khi được Chính phủ phê duyệt vào ngày 25 tháng 11 năm 2003, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã trải qua một hành trình dài đầy thử thách nhưng cũng không kém phần ấn tượng. Ban đầu, chương trình chỉ tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp tiêu biểu, nhưng qua thời gian và với sự nỗ lực không ngừng của cả doanh nghiệp và Chính phủ, chương trình đã mở rộng quy mô. Từ năm 2008, khi chỉ có 30 doanh nghiệp với 30 sản phẩm được công nhận thì đến nay, con số này đã tăng lên 190 doanh nghiệp và 359 sản phẩm, điều này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu Việt Nam trong việc xây dựng bản sắc và bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng lên hàng năm từ 2008 – 2024. |
Giá trị thương hiệu ngày càng nâng cao
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hòa nhập, việc xây dựng và duy trì các sản phẩm mang vị thế Thương hiệu Quốc gia vững mạnh trở thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Theo báo cáo từ Brand Finance vào năm 2024, Việt Nam đứng thứ 32 trong bảng danh sách giá trị thương hiệu quốc gia, với con số đáng chú ý lên tới 507 tỷ USD. Thành tựu này không chỉ là kết quả của những chiến lược quảng bá thương mại bài bản từ Chính phủ, mà còn là nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, giúp nâng cao hình ảnh quốc gia và thu hút đầu tư từ các đối tác quốc tế.
Hơn 20 năm qua, nhiều sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia đã chứng minh được chất lượng không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu. Một ví dụ điển hình cho sự thành công này chính là Vinamilk – thương hiệu sữa hàng đầu của Việt Nam, hiện đã vươn ra tới 56 quốc gia, khẳng định vị thế vững chãi trong làng thực phẩm quốc tế. Với đà mở rộng mạnh mẽ ra thế giới, cũng đã cho thấy rằng sự đổi mới và sáng tạo là chìa khóa dẫn đến thành công. Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp như TH True Milk, Nutricare,.. tất cả đều đang ngày càng ghi dấu ấn mạnh mẽ về thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo và tiên phong
Năm 2024, Chương trình Thương hiệu Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam và giúp các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, cùng việc tăng cường truyền thông về thương hiệu quốc gia. Những yếu tố như “Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong” sẽ là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển và vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp vinh dự nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia năm 2024. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm, Chương trình Thương hiệu Quốc gia không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, thúc đẩy các thương hiệu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời gắn kết thương hiệu với các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, là chiến lược mà các doanh nghiệp cần hướng tới.
Thời Đại
Nguồn: https://thoidai.com.vn/hon-20-nam-chuong-trinh-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-hanh-trinh-tu-chat-luong-den-vi-the-toan-cau-207787.html