Đến cuối năm 2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và thành phố tại Hải Phòng đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận 287 sản phẩm (trong đó có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao). Số sản phẩm OCOP còn hiệu lực 242 (66 sản phẩm 4 sao, 176 sản phẩm 3 sao). Chỉ tính riêng năm 2024, cấp huyện đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao 40 sản phẩm, đang tiếp tục đánh giá hơn 40 sản phẩm. Cuối năm 2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm 4 sao đối với 35 sản phẩm.
Như vậy, có thể thấy, những năm qua, Hải Phòng luôn tích cực đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Năm sau số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng nhiều hơn năm trước, tuy nhiên nhìn nhận thực tế là các sản phẩm của Hải Phòng chủ yếu là các sản phẩm được đánh giá 3 sao, 4 sao. Một số sản phẩm 4 sao mới chỉ ở dạng tiềm năng có thể vươn tới OCOP cấp quốc gia 5 sao. Tiêu biểu như: sản phẩm gạo ruộng rươi, nước mắm, cá mòi, trà núi Ngọc… Năm 2021, thành phố lựa chọn bộ 5 sản phẩm trà Núi Ngọc của Công ty TNHH Cộng đồng xanh để xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao nhưng sau đó Hội đồng sản phẩm OCOP cấp quốc gia trả lại hồ sơ không đủ điều kiện.
Theo ông Tăng Xuân Thọ, Trưởng Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hải Phòng), thực tế các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, HTX luôn mong muốn có sản phẩm chất lượng, thương hiệu tốt, nhất là đặc sản của một số địa phương được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tuy nhiên, để đủ điều kiện công nhận cấp 5 sao, ngoài các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, chất lượng, mẫu mã, thị trường, còn một số tiêu chuẩn bắt buộc như phải có sản phẩm xuất khẩu, có những câu chuyện sản phẩm đặc sắc... Trong khi đó, phần lớn sản phẩm OCOP 4 sao của Hải Phòng chưa hướng tới phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp chưa có điều kiện để tập trung xây dựng các câu chuyện sản phẩm đặc sắc để có thể thuyết phục hội đồng xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Các doanh nghiệp, HTX của Hải Phòng luôn khát khao hướng tới sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tại thị trấn Cát Hải, theo thống kê có hơn chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, nhiều doanh nghiệp có thị trường và chất lượng sản phẩm khá tốt… Để từng bước phát triển, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao, lãnh đạo các doanh nghiệp luôn ấp ủ các chiến lược đầu tư, giải pháp để bảo đảm các tiêu chí quy định.
Theo chia sẻ của ông Bùi Đức Vinh, Giám đốc Công ty TNHH nước mắm Quang Hải, công ty có 12 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Từ nay đến năm 2030, để hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao, ban lãnh đạo công ty luôn năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ để tìm những biện pháp hữu hiệu cho phù hợp với tình hình hoạt động của công ty như huy động vốn, tìm ngư trường để thu mua nguyên liệu sản xuất, mở thêm các đại lý, nhà phân phối nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Công ty đặc biệt quan tâm xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số, đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại; có kế hoạch đầu tư kinh phí để khai thác thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị cũ.
Đối với các địa phương, sự quan tâm, chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP của chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã sẽ giúp chương trình phát triển sản phẩm OCOP đạt hiệu quả thiết thực. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy, đến nay huyện này có 43 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm 4 sao. Đến năm 2030, huyện phấn đấu tập trung chuẩn hóa nâng hạng 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và có sản phẩm được trung ương đánh giá 5 sao.
Huyện tích cực vận dụng linh hoạt các chính sách, đồng thời có chính sách riêng, phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp HTX phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị từng sản phẩm; tăng cường rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương để hướng dẫn các chủ thể có thể nâng hạng sản phẩm OCOP.
Livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP Hải Phòng. Ảnh: Dân Việt
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Đỗ Gia Khánh cho rằng, để phát triển sản phẩm OCOP, hướng tới xếp hạng được nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao cần nhận dạng chính xác và phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển chương trình, sản phẩm OCOP. Chủ động huy động các nguồn vốn ngân sách, các nguồn khác và tập trung nguồn lực từ cộng đồng giúp các doanh nghiệp, HTX tích cực phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, 5 sao.
Sự chung tay, hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương là một trong những giải pháp quan trọng để tương lai không xa, TP.Hải Phòng sẽ có các sản phẩm OCOP 5 sao.
Bình luận (0)