Chiến tranh đã lùi xa, đất nước và Thủ đô đang trên đường phát triển, thế hệ hôm nay và mai sau vẫn mãi khắc sâu công ơn của lớp cha anh đi trước. Chương trình gặp mặt tri ân cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong và gia đình chính sách, người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) do Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hôm nay (ngày 3-10) là một trong những hoạt động tri ân ấm áp, sâu nặng nghĩa tình như thế.
Các đại biểu trao đổi tại buổi Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô do Báo Hànộimới tổ chức, ngày 20-9. Ảnh: Quang Thái
Ký ức hào hùng
Làm nên thắng lợi lịch sử mùa thu năm 1954 ấy có sự đóng góp của rất nhiều chiến sĩ Thủ đô và hàng ngàn bộ đội, dân quân du kích, công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Trong hàng ngũ những người làm nên chiến thắng của 70 năm trước có cựu chiến binh Lê Văn Tính, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) khi đó là chiến sĩ liên lạc, thuộc Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân tiên phong). Cựu chiến binh Lê Văn Tính nhớ lại: “5 giờ sáng 10-10-1954, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề rời làng Phùng (huyện Đan Phượng), theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu. Chúng tôi rất xúc động khi thấy nhân dân đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân diễu hành qua. Những ánh mắt ướt lệ, những vòng tay giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại…”.
“Những ngày đầu, chúng tôi từng tổ 3 người vào từng nhà thăm hỏi, nói chuyện, giải đáp những thắc mắc cho nhân dân. Ban đêm, chúng tôi tổ chức biểu diễn ca múa nhạc ở các nơi công cộng, vườn hoa, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình”, cựu chiến binh Lê Văn Tính cho biết thêm.
Năm nay, cựu chiến binh Dương Niết, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) đã bước sang tuổi 91 nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến về giải phóng Thủ đô vẫn in sâu trong tâm trí ông. Ông Niết nhớ lại: Ngày 8-10-1954, Tiểu đoàn 18 dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, là đơn vị Quân đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí quan trọng có quân Pháp chiếm đóng. Ngày 9-10-1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đó. Chiến sĩ Dương Niết là tổ trưởng, cùng 4 chiến sĩ được lệnh vào tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Nhiệm vụ của tổ là hạn chế quân Pháp phá hoại hạ tầng cơ sở của ta.
Trong “đoàn quân tiến về Thủ đô mùa thu ấy” còn có cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Minh Thắng, nguyên cán bộ thuộc Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. “4 giờ sáng 10-10-1954, cả đơn vị chúng tôi dậy thu dọn quân tư trang, sẵn sàng cho ngày trọng đại. Khoảng hơn 9 giờ sáng, 4 cánh quân từ các cửa ô vào thành phố, đơn vị tôi đi theo hướng cửa ô Cầu Dền, tiếp quản Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện trung ương Quân đội 108), tiếp quản trại lính dù, viện vi trùng học (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương). Những ngày tiếp quản Thủ đô, chúng tôi không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, mà còn thực hiện công tác dân vận, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về chế độ mới của ta.
Tri ân, tôn vinh những người làm nên chiến thắng
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Minh Thắng (quận Hà Đông) – ngồi trong cùng, bên trái chia sẻ về những ngày đầu tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Vũ Thủy
70 năm đã qua, những người lính tiếp quản Thủ đô năm xưa nay đã trên dưới 90 tuổi vẫn không khỏi bồi hồi mỗi khi nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng của Thủ đô yêu dấu. Những bước quân hành rầm rập khí thế trên những con phố cổ kính của Hà Nội mang theo niềm tự hào của cả dân tộc, của những năm tháng trường kỳ kháng chiến gian khổ. Khắp phố phường rợp cờ hoa, những cánh tay vẫy chào, những nụ cười rạng ngời của đồng bào Thủ đô chào đón đoàn quân chiến thắng trở về…
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, trong dịp kỷ niệm trọng đại 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng lãnh đạo các địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong và các gia đình chính sách, người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cuộc gặp mặt, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng và hơn 280 cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, các gia đình chính sách, người có công thay mặt cho hàng vạn cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong – những người làm nên tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của 70 năm Giải phóng Thủ đô do Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức hôm nay (ngày 3-10) càng khẳng định sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn đó.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng lãnh đạo thành phố ôn lại truyền thống tự hào 70 năm qua; là dịp để tri ân, tôn vinh những người làm nên chiến thắng. Cũng nhân dịp này, qua chia sẻ của các nhân chứng lịch sử sẽ giúp thanh niên Thủ đô khắc ghi sâu chân lý: Để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, hy sinh cả bản thân mình để giành được độc lập, tự do. Thế hệ trẻ hãy mãi ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, để từ đó biết trân trọng, nâng niu và ra sức học tập, lao động, cống hiến, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Hà Nội giờ đây đã thay đổi từng ngày, hiện đại hơn, văn minh hơn, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước; trong đó, có đóng góp to lớn của những người đã góp công sức, hy sinh tính mạng để giải phóng Thủ đô.
Hanoimoi.vn
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hom-nay-3-10-ha-noi-gap-mat-dai-bieu-cac-luc-luong-truc-tiep-tham-gia-giai-phong-thu-do-sau-nang-nghia-tinh-tri-an-680085.html