Bức tranh kinh tế vĩ mô quý I/2023, cả trong nước và quốc tế sáng dần, nhưng lại khiến giới chuyên gia kinh tế cảm thấy sốt ruột. Cơ hội phục hồi rõ nét hơn, đòi hỏi năng lực để tận dụng.
Sản xuất tại Nhà máy Thép Hòa Phát. Ảnh: Đức Thanh |
Phần điểm sáng chưa rõ nét
“Chúng tôi cảm thấy sốt ruột”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chia sẻ. Ông Lực đang nhìn thấy các yếu tố trợ lực cho hoạt động đầu tư – kinh doanh trong quý I/2024 có thêm nhiều dấu hiệu tích cực, song doanh nghiệp vẫn đối mặt với quá nhiều vấn đề.
Kinh tế thế giới dù được dự báo tăng trưởng chậm hơn năm ngoái, song lạm phát và lãi suất bắt đầu giảm. Triển vọng thị trường đang tích cực hơn với sự hồi phục khá nhanh của các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam. Trong nước, cơ hội tiếp cận tín dụng dễ thở hơn, với những cam kết duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp của Ngân hàng Nhà nước; vướng mắc pháp lý ở nhiều dự án đang được đặt lên bàn tháo gỡ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách đặt nền tảng cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, gắn với phát triển xanh, chuyển đổi số… đang dần được hoàn thiện. Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh mẽ…
Tuy nhiên, trong bức tranh sáng dần này, ông Lực chưa điểm được nhiều với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.
“Doanh nghiệp trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm…”, TS. Cấn Văn Lực mổ xẻ tình hình sức khỏe của khu vực đang đóng góp khoảng 50% vào tốc độc tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Thậm chí, khu vực này vẫn tiếp tục ghi nhận những chuyển động chậm từ bên trong. Chỉ số Quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang có khoảng cách khá xa với doanh nghiệp trong khu vực, với mức 42-43% so với 60-62% của Thái Lan. Tầm nhìn, chiến lược của đa phần doanh nghiệp còn khá ngắn hạn, chưa kể tình trạng doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh vẫn lớn…
Không chỉ TS. Lực sốt ruột. Trong phần nhận định về tình hình kinh tế những tháng đầu năm của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã để trống phần đầu tư tư nhân. Năm ngoái, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng có 2,7%, mức tăng thấp chưa từng có trong vòng 10 năm qua.
Năm nay, các số liệu của quý I/2024 cần đợi thêm vài ngày, song TS. Thành cho rằng, cảm nhận về sự hồi phục thực sự của khu vực này chưa rõ nét, nhất là khi so sánh với tốc độ tăng đầy tích cực của giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công.
“Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc tận dụng các cơ hội phục hồi đang sáng dần lên”, TS. Thành nói.
Tìm điểm kích cầu đầu tư tư nhân
Chia sẻ các tồn tại của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, TS. Lực cho rằng, chìa khóa để giải quyết là môi trường kinh doanh. Những vướng mắc pháp lý, nhất là các vấn đề của các dự án bất động sản, lại được nhắc đến như minh chứng cho tác động của giải pháp này.
“Chỉ cần đẩy niềm tin kinh doanh lên, đầu tư tư nhân sẽ tăng. Chìa khóa nằm ở cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh”, ông Lực nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Song đáng nói đây lại là phần nhiệm vụ khó khăn, dù có rất nhiều nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Trong cuộc hội thảo hồi đầu tuần của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổng kết 5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm, kỳ vọng nhân rộng điển hình chính sách tốt của cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.
Phải nhắc lại, những thay đổi nổi bật của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hoá; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; phân cấp quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… đã tiết kiệm được 8,5 triệu ngày công và 3.332,5 tỷ đồng/năm. Chỉ riêng việc bãi bỏ thời hạn của Bản tự công bố, so với quy định thời hạn 3 năm trong quy định trước đây, đã tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp tới hơn 310 triệu đồng/năm. Đây là lý do mà nghị định này đã có mặt trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc nhân rộng bài học của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đang không dễ dàng. “Một số vướng mắc tương tự đang xuất hiện trong phần quản lý về quy chuẩn sơn nhũ tương của Bộ Xây dựng, phần quản lý thuốc thú ý và thức ăn chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi đã đưa cơ chế đã được áp dụng ở Nghị định số 15/2018/NĐ-CP làm ví dụ, nhưng chưa được chấp thuận. Doanh nghiệp đang phải tuân thủ những quy định làm khó doanh nghiệp, nhưng rất hình thức, không mang lại hiệu quả quản lý nhà nước”, ông Tuấn phân tích.
Mới đây nhất, trong cuộc gặp mặt lãnh đạo Nhà nước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cũng đã tiếp tục gửi đi đề xuất kiên trì, quyết liệt tháo bỏ các rào cản môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Cụ thể, lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về ban hành điều kiện kinh doanh gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành quản lý chuyên ngành, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, có lộ trình phù hợp, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhiều vào cam kết sẽ đơn giản hóa khâu tiền kiểm, chuyển mạnh sang hậu kiểm gắn với quản trị rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kiểm tra chuyên ngành.
Rõ ràng, điểm tựa để kích cầu đầu tư tư nhân đã được nhận diện.