Dự hội thảo có Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; ông Shovgi Mehdizade, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh trong khu vực. Về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận và vinh danh là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu, đây là cơ sở nền tảng hình thành nên thương hiệu du lịch của Hà Giang. Việc khai thác giá trị di sản gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg. Bên cạnh đó tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và đẩy mạnh chương trình xúc tiến quảng bá, đến nay hình ảnh du lịch tỉnh Hà Giang đã khẳng định được thương hiệu mang tính đặc trưng riêng có.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động trực tiếp. Việc xây dựng được thương hiệu đã khó, việc giữ vững được thương hiệu thì càng khó hơn.
Do đó, việc tổ chức hội thảo với chủ đề “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong giai đoạn mới” là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Đây là cơ hội để tỉnh tiếp thu những ý kiến tham gia, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu, nhằm hỗ trợ địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ, khắc phục những điểm nghẽn, làm nền tảng cơ sở vững chắc, phát huy tối đa thế mạnh về tài nguyên du lịch để du lịch Hà Giang phát triển xanh và bền vững.
Tạo bước phát triển bền vững cho du lịch Hà Giang
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về xu thế phát triển du lịch trong nước và thế giới cũng như sự cần thiết định vị, xây dựng thương hiệu du lịch các địa phương nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Nêu lên cơ sở lý luận và thực tiễn về định vị và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, những thách thức trong việc định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang hiện nay.
Các chuyên gia khẳng định định hướng phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững là đúng hướng. Bên cạnh đó tỉnh cần xây dựng giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thương hiệu du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cốt lõi; quan tâm cơ sở hạ tầng, bảo đảm môi trường, phát huy các giá trị văn hóa đặc thù cho việc xây dựng thương hiệu.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước, quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản, bản sắc văn hóa các dân tộc. Hà Giang đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển.
Với phương châm “Liên kết chặt chẽ – phối hợp nhịp nhàng – hợp tác sâu rộng – bao trùm toàn diện – hiệu quả bền vững”, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Hà Giang cần chủ động xây dựng kế hoạch sát thực tiễn để thúc đẩy phát triển du lịch.
Tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với xu thế trong tình hình mới. Đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động, tham vấn trong phục hồi du lịch.