CLB Văn hóa Văn nghệ dân tộc Cao Lan (xã Hà Thượng, Đại Từ, Thái Nguyên) – nơi sẽ là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa những giá trị truyền thống và nhịp sống hiện đại. CLB không chỉ là nơi gìn giữ và thực hành văn hóa mà còn là địa chỉ để bà con giao lưu, kết nối, thúc đẩy hoạt động du lịch đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên.
Cuộc sống ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Trong dòng xoáy của sự vận động, phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, lãng quên. Nhưng “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” – câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời căn dặn chúng ta, bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tại buổi ra mắt, CLB Văn hóa Văn nghệ dân tộc Cao Lan các đại biểu đã được thưởng thức làn điệu Sình Ca, điệu múa Tắc Xình và tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa cùng nhiều trò chơi vui nhộn. Dân ca Cao Lan hay còn gọi là Sình ca và điệu múa Tắc Xình là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan, lần lượt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012 và 2014.
Chị Nguyễn Thị Tâm – Chủ nhiệm CLB Cao Lan xã Phú Thịnh cho biết, bài múa Tắc sình tái hiện lại nét đẹp trong đời sống văn hoá và nét đẹp trong lao động của người dân tộc Cao Lan, các động tác tuy đơn giản nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng, không bị pha tạp, xen lẫn.
Từ năm 2014 xã Hà Thượng đã tiến hành sưu tầm, phục dựng, xây dựng góc trưng bày văn hóa dân tộc Cao Lan tại nhà văn hóa xóm Suối Cát (Hà Thượng).
Góc trưng bày đã lưu giữ trên 20 hiện vật về đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc Cao Lan, như công cụ lao động sản xuất, các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, trang phục truyền thống, bản đồ cư trú của dân tộc Cao Lan. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc giúp thế hệ trẻ, cộng đồng lân cận và du khách hiểu thêm những giá trị văn hóa của người Cao Lan, những tinh hoa văn hóa được vun đắp qua hàng nghìn năm.
Việc ra mắt Câu lạc bộ không phải là sự khởi đầu mà là bước tiếp nối quan trọng trong hành trình bảo tồn văn hóa, gắn kết cộng đồng và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy hoạt động du lịch dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Để tiếng hát, điệu múa của người Cao Lan không chỉ vang lên trong các dịp lễ hội mà còn là giai điệu thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày, lan toả những giá trị văn hoá đặc sắc của người Cao Lan đến với công chúng và du khách.
H.Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/hoi-sinh-nhung-gia-tri-van-hoa-dan-toc-cao-lan-tinh-thai-nguyen-post324287.html