Dự án hồi sinh rừng có thể mang lại sự sống, nguồn nước và đa dạng sinh học cho khu rừng nhiệt đới ở Brazil.
Nỗ lực hồi phục sinh thái
Brazil là một trong những quốc gia đa dạng sinh học quan trọng nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, hệ thống giám sát vệ tinh trong chương trình giám sát DETER của Cơ quan vũ trụ quốc gia Brazil ghi nhận 500 km2 diện tích rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil bị tàn phá trong tháng 7 vừa qua. Đó là con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và giảm hơn 66% so với con số 1.478 km2 ghi nhận trong tháng 7/2022. Quá trình tàn phá rừng nhiệt đới Amazon đã thải ra rất nhiều carbon dioxide – cao hơn mức hấp thụ của Trái Đất và sẽ tiêu cực đến xu hướng nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Bộ trưởng Môi trường Marina Silva cam kết chống nạn phá rừng Amazon (Ảnh: Financial Times)
Kể từ khi ông Lula da Silva lên nắm quyền vào đầu năm 2023, chính phủ Brazil đã có biện pháp xử lý những người chiếm đoạt đất đai, khai thác rừng trái phép, phân định ranh giới nhiều đất đai hơn cho người bản địa và tạo ra nhiều khu vực bảo tồn hơn. Chính phủ Brazil sẽ cấp khoản ngân sách trị giá 2 tỷ real (khoảng 410 triệu USD) cho hoạt động tăng cường an ninh tại khu vực Amazon, nhằm trấn áp tội phạm môi trường, buôn bán ma túy và vũ khí.
Với diện tích khoảng 400 triệu ha, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil mang lại cho cơ hội tái tạo rừng lớn nhất thế giới. Hơn 54 triệu ha quần xã sinh vật ở khu rừng này là đồng cỏ, thích hợp để trồng cây.
Chính phủ đã hồi sinh Quỹ Bảo vệ rừng Amazon và tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu rừng. Quỹ đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các nước Anh, Pháp, Ðức.
Mombak, một startup trồng rừng đang giám sát dự án trồng 3 triệu cây xanh trên một khu vực rộng gần 3.000 ha ở bang Pará (Brazil). Đây là trong những dự án lớn nhất nhằm phục hồi rừng ở các quần xã sinh vật của Amazon. Mombak kiếm doanh thu bằng cách bán tín chỉ carbon từ những mảnh rừng mà công ty này trồng.
Mombak sẽ mở rộng dự án trồng rừng lên 50.000 hecta với mục tiêu loại bỏ 1 triệu tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm vào năm 2030. “Trồng lại rừng nhiệt đới có thể đóng góp quan trọng cho nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Trong khi đó, Amazon của Brazil là khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh”, José Scheinkman – Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia (Mỹ) và là thành viên của dự án Amazon 2030, một sáng kiến của Brazil nhằm phát triển rừng nhiệt đới bền vững, nhận định.
Và theo các nhà khoa học khác, việc tái trồng rừng ở các khu rừng nhiệt đới và ôn đới có thể giúp loại bỏ tới 113 tỉ tấn carbon khỏi khí quyển từ nay đến năm 2050. Ông Pedro Brancalion, chuyên gia trồng rừng của Đại học São Paulo (Brazil), cho rằng việc tái tạo và bảo vệ rừng có thể mang lại nhiều lợi ích cho toàn cầu, các khu vực và địa phương. Chẳng hạn, điều này sẽ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ các luồng không khí chứa hơi nước được gọi là “sông bay” mang nước từ Amazon qua khắp các nước khu vực Mỹ Latinh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tại các địa phương, hoạt động trồng và bảo vệ rừng giúp tạo việc làm và tạo thu nhập từ tín chỉ carbon và các sản phẩm lâm nghiệp.
Mô hình tài chính khí hậu
Mô hình Tài chính dự án lâu dài (PFP) phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu hoành hành ở Brazil. Dự án PFP có tên “Chương trình Khu bảo tồn Amazon cho cuộc sống” (ARPA for Life) được ra mắt vào năm 2014 để tài trợ cho chương trình Khu vực được bảo vệ của vùng Amazon. Chương trình được thực hiện trên phạm vi 62 triệu ha ở Amazon, một diện tích lớn hơn cả nước Pháp. Được thành lập với sự hợp tác của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và các tổ chức khác, chương trình là sáng kiến lớn nhất thế giới về bảo tồn rừng nhiệt đới.
Vùng rừng Amazon ở Brazil được bảo vệ hiệu quả hơn (Ảnh: Financial Times)
Mô hình PFP đã cung cấp 215 triệu USD để đảm bảo việc bảo vệ lâu dài các khu vực bảo tồn được điều chỉnh theo ARPA. Thỏa thuận này là xương sống cho các hoạt động bảo tồn trên toàn quốc. ARPA đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian qua, như:
ARPA đã tạo ra 57 triệu mẫu Anh (1 mẫu Anh bằng hơn 4.046 mét vuông) khu bảo tồn trong 8 năm đầu tiên và tiếp tục hỗ trợ cải thiện việc quản lý hàng triệu mẫu nữa. Các khu vực bảo tồn ARPA hiện có tổng diện tích 154 triệu mẫu Anh, gấp gần 1,5 lần diện tích của California, vượt mục tiêu ban đầu của chương trình.
Giảm đáng kể nạn phá rừng và lượng khí thải carbon liên quan: Từ năm 2008 đến năm 2020, các khu bảo tồn được ARPA hỗ trợ đã giảm nạn phá rừng khoảng 650.000 mẫu Anh. Con số này tương ứng với ước tính giảm phát thải 104 triệu tấn khí thải CO2 – Tương đương với tổng lượng khí thải của ngành hàng không nội địa Mỹ vào năm 2020, hay khoảng 17% lượng khí thải của ngành hàng không nội địa toàn cầu.
Bảo tồn đa dạng sinh học của Amazon: Các khu bảo tồn được công nhận trên toàn cầu là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để bảo tồn đa dạng sinh học. Bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa như nạn phá rừng trên hàng triệu mẫu rừng, ARPA đã bảo vệ được sự đa dạng quý giá ở Amazon.
Khôi Nguyên