Quỹ Khí hậu vì Thiên nhiên sẽ huy động các nguồn lực từ lĩnh vực thời trang và làm đẹp để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên. Đây là một trong những giải pháp của ngành thời trang trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo nhiều nghiên cứu, lĩnh vực thời trang đang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải toàn cầu hàng năm và 48% chuỗi cung ứng của nó có liên quan đến nạn phá rừng. Bên cạnh đó ngành này cũng có tác động tiêu cực nặng nề đến đa dạng sinh học do sử dụng hóa chất và ô nhiễm vi nhựa.
Ở chiều ngược lại, thời tiết cực đoan đang là mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng thời trang do hạn chế khả năng tiếp cận nguyên liệu thô. Ước tính thiệt hại có thể lên đến 65 tỷ USD.
Trong số nhiều thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt do biến đổi khí hậu, việc tìm nguồn cung cấp sợi và chất liệu tự nhiên có thể trở nên khó khăn hơn và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ là giải pháp tạm thời. Từ cotton đến cashmere, nhiều loại sợi tự nhiên và hàng dệt đang trở nên khó để cung ứng đủ lượng nhu cầu.
Nghề trồng bông bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở nhiều nước (Ảnh: Common Objective).
Tại hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP24) tại Ba Lan tháng 12/2018, ngành thời trang đã thông qua thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu với cam kết từ đại diện 43 thương hiệu hàng đầu thế giới như Adidas, Guess, H&M, Levi Strauss&Co, Puma cùng nhiều hiệp hội thời trang, dệt may, hậu cần.
Các bên đã cam kết hành động nhằm giảm thiểu tác động gây biến đổi khí hậu trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Bản thỏa thuận mời gọi các thành viên mới cùng tham gia, đồng thời đặt mục tiêu ban đầu là giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Các thành viên cũng thống nhất sẽ giảm dần các lò hơi hoạt động bằng than cũng như các hoạt động khác có sử dụng than từ năm 2025.
Lĩnh vực thời trang cao cấp đang ủng hộ một số sáng kiến, dẫn đầu là Quỹ Tái tạo cho Thiên nhiên của tập đoàn Pháp Kering nhằm hỗ trợ các dự án nông nghiệp trên khắp thế giới tìm cách chuyển đổi từ phương pháp canh tác hiện tại sang phương thức tái sinh. Kering hướng tới giảm 40% tác động đến môi trường vào năm 2025.
Quỹ Tái tạo cho Thiên nhiên nhằm cải tạo 1 triệu ha trang trại, nhà sản xuất nguyên liệu thô cho chuỗi cung ứng thời trang. Với mong muốn tác động tích cực đến đa dạng sinh học, quỹ còn cung cấp khoản tài trợ cho người nông dân, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan trong ngành thời trang để phát triển thay đổi nông nghiệp.
Tuần hành yêu cầu ngành thời trang tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (Ảnh: Common Objective).
Cuối năm 2022, tập đoàn Kering hợp tác với tập đoàn thời trang Pháp L’Occitane thành lập Quỹ Khí hậu vì Thiên nhiên nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và đẩy mạnh các hoạt động nông nghiệp tái tạo trong chuỗi cung ứng thời trang… Quỹ này sẽ huy động các nguồn lực từ lĩnh vực thời trang và làm đẹp để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên. Bà Marie-Claire Daveu – Giám đốc phụ trách các vấn đề thể chế và bền vững của tập đoàn Kering – cho biết: “Quỹ khí hậu này sẽ tạo cơ hội cho ngành thời trang cao cấp và làm đẹp cùng nhau hỗ trợ phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học trên quy mô lớn”.
Kering và L’Occitane đã cùng nhau cam kết 140 triệu Euro cho quỹ khí hậu mới được thành lập (khoản đóng góp lần lượt là 100 triệu và 40 triệu Euro). Kế hoạch là họ sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư và đạt được mục tiêu 300 triệu euro, đồng thời sẽ mời các công ty thời trang và làm đẹp cao cấp khác tham gia và mở rộng quy mô quỹ. Hoạt động bắt đầu vào quý I/ 2023 và các dự án diễn ra ở các quốc gia nơi mà các nhà đầu tư cung cấp nguyên liệu thô, bao gồm châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Quỹ sẽ hỗ trợ phát triển các giải pháp dựa vào thiên nhiên để đối phó với biến đổi khí hậu.
Kering và L’Occitane nhấn mạnh rằng quỹ của họ hỗ trợ và bảo vệ các nguồn cung carbon tự nhiên và phần lớn các dự án phục hồi và bảo vệ bao gồm “trồng rừng, tái trồng rừng, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, chẳng hạn như rừng ngập mặn hoặc tái sinh tự nhiên, cũng như nông nghiệp tái tạo và các dự án nông lâm kết hợp. Một số ít dự án cũng sẽ liên quan đến bảo vệ rừng và tránh phát thải.
Khôi Nguyên