Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 không chỉ quan trọng bởi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập mà còn vì những vấn đề nóng bỏng của thế giới, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quảng đến liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu.
Trong bối cảnh không mấy thuận lợi, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phải chứng tỏ với các thành viên và quốc tế về sự đoàn kết, sức mạnh và vai trò quan trọng, không thể thiếu của mình.
Hội nghị thượng đỉnh NATO đánh dấu 75 năm ngày thành lập khi liên minh quân sự này đứng trước bước ngoặt rất lớn – hướng đi mới trong một bối cảnh địa chính trị phức tạp nhất nhiều thập niên gần đây. (Nguồn: AP) |
Nhiều cam kết, quyết định mạnh
Quá trình hội nghị và 38 điểm của Tuyên bố chung thể hiện nổi bật 3 chủ đề trọng tâm và cũng là ba nhiệm vụ chiến lược của liên minh là: Răn đe, phòng thủ; tăng cường hỗ trợ Ukraine và mở rộng hợp tác với các đối tác ở địa bàn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
NATO tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng không tích hợp, phòng thủ không gian mạng và răn đe hạt nhân. Liên minh sẽ triển khai tên lửa chiến lược của Mỹ ở Đức, thành lập lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng triển khai gần biên giới Nga. Các quốc gia thành viên NATO thuộc châu Âu phải nâng cao khả năng tự chủ chiến lược, trước hết là tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP.
Liên minh cam kết hỗ trợ Ukraine về chính trị, tinh thần, vũ khí và tài chính, quyết không để Nga thắng. Hơn 43 tỷ USD viện trợ trong năm 2025; máy bay F16 và các tổ hợp phòng không hiện đại tiếp tục đổ về Ukraine. Tổ chức Cơ quan của NATO tại châu Âu, chuyên điều phối vận chuyển vũ khí, bảo đảm kỹ thuật, hỗ trợ an ninh và huấn luyện công dân Ukraine di tản, cư trú ở nước ngoài (có thể cả lính đánh thuê) để bổ sung cho Kiev. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sự hỗ trợ này sẽ khiến Ukraine “mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn”.
Các nhà lãnh đạo NATO tái cam kết việc kết nạp Ukraine là “tiến trình không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, nó vẫn mang đậm tính biểu tượng và khích lệ tinh thần lãnh đạo, quân đội Kiev, bởi không có bất cứ mốc thời gian, tiêu chí cụ thể nào.
Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với NATO và an ninh của châu Âu-Đại Tây Dương. Ẩn ý nhắm vào Trung Quốc, là thách thức, đối thủ hệ thống, lâu dài của Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh nhiều lần chỉ trích Trung Quốc hợp tác “không giới hạn” và Triều Tiên, Iran trực tiếp hỗ trợ quân sự cho Nga ở Ukraine. Do đó, NATO tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn cầu, nhất là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với “Bộ tứ” Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand (IP4).
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo đối tác IP4 của NATO: Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phó Thủ tướng Australia Richard Marles. (Nguồn: X) |
Cam kết không mở rộng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng NATO đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, các cuộc diễn tập chung và duy trì căn cứ quân sự của Mỹ ở các quốc gia đối tác hàng đầu. Phạm vi can dự của Mỹ và NATO không giới hạn ở châu Âu, hai bờ Đại Tây Dương, mà mở rộng sang địa bàn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tham vọng của NATO ngày càng lớn, nhằm gia tăng vai trò một tổ chức chính trị, an ninh, quân sự toàn cầu không có đối thủ, một công cụ duy trì trật tự thế giới đơn cực, do phương Tây chi phối.
Ý đồ là vậy, nhưng thực hiện đến đâu phụ thuộc nhiều nhân tố. Vì sao NATO phải nhấn mạnh củng cố đoàn kết? Liệu NATO, phương Tây có cản được xu thế đa cực (dù không cân bằng) ngày càng rõ? Các đối thủ chắc không ngồi yên? Có nhiều điều không tường minh trong Tuyên bố chung.
Những điều không có trong Tuyên bố chung
Thứ nhất, NATO không “mạnh chưa từng thấy” như tuyên bố. Trước đây nhiều thập kỷ, Mỹ từng đề ra chiến lược đáp ứng đồng thời hai cuộc chiến tranh. Mỹ và NATO từng “làm mưa, làm gió” ở Kosovo, Iraq, Syria, Afghanistan…. Nay mở rộng lên 32 thành viên, tăng chi phí quốc phòng 2% GDP, nhưng chỉ một cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Tổng thư ký và các quan chức NATO phải thừa nhận năng lực liên minh còn hạn chế. Đó là lý do mà Mỹ, NATO hối thúc các thành viên châu Âu tự chủ, gia tăng hợp tác, hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ hai, tiêu chuẩn kép và nội bộ chưa yên. Ba ngày hội nghị và Tuyên bố chung đậm nét cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, cuộc chiến ở Dải Gaza hầu như không được nhắc đến. Mỹ vẫn hỗ trợ bom đạn và ủng hộ Israel hết mình, bất chấp phản ứng quốc tế. Một số nước châu Âu cũng không đồng tình với Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại với Nhà nước Do Thái.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Chủ tịch đương nhiệm luân phiên EU, người nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Ukraine, đánh giá NATO ngày nay đang xa rời mục đích phòng thủ ban đầu, theo đuổi chương trình nghị sự gây leo thang căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự thảm khốc với Nga.
Nỗ lực viện trợ Ukraine, gia tăng lệnh trừng phạt Nga đã tác động sâu sắc đến đời sống của người dân châu Âu. Đó là một trong những lý do chính khiến phe cực hữu giành thắng lợi chưa từng thấy trong bầu cử Nghị viện châu Âu, bầu Quốc hội Pháp và một ở số nước khác. Dù phe cực hữu, dân túy chưa thể lên nắm quyền, nhưng nhiều quốc gia châu Âu sẽ phải cân nhắc thận trọng các chính sách mới.
Dù truyền thông phương Tây ra sức tô đậm “mối đe dọa Moscow”, nhưng nhiều chính khách, học giả vẫn nhìn nhận, “châu Âu không thể ổn định nếu không có Nga” và “Nga cũng không phát triển nếu thiếu châu Âu”. Nga muốn bảo đảm an ninh cho mình và cũng muốn hợp tác bình đẳng, tin cậy với châu Âu. Có điều, một số nước không tin hoặc không muốn tin.
Thứ ba, tại Hội nghị thượng đỉnh, không chỉ ngại Nga, Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden và NATO còn nhắm vào một người khác, cựu Tổng thống Donald Trump. Sau hình ảnh “kém mạnh mẽ” trong cuộc tranh luận lần thứ nhất, đương kim Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ vai trò, khả năng lãnh đạo, dẫn dắt liên minh quân sự ra các tuyên bố, quyết định cứng rắn.
Cựu Tổng thống Mỹ không từ bỏ NATO, nhưng sẽ bắt các thành viên châu Âu trả giá nhiều hơn cho ô bảo hộ của Mỹ. Nhiều thành viên NATO cũng lo ngại ông Donald Trump thắng cử sẽ làm suy yếu liên minh, giảm viện trợ cho Ukraine. Do đó, NATO ra các quyết định viện trợ lâu dài cho Ukraine, nhằm phòng ông Donald Trump thành ông chủ mới của Nhà Trắng sau tháng 11.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 có nhiều cam kết, quyết định mạnh mẽ liên quan đến những vấn đề nóng của thế giới và của chính liên minh. (Nguồn: AP) |
Góc nhìn của quốc tế
Dư luận quốc tế nhìn nhận Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 có nhiều cam kết, quyết định mạnh mẽ liên quan đến những vấn đề nóng của thế giới và của chính liên minh. Thừa nhận vai trò quan trọng của NATO, nhưng nhiều thách thức toàn cầu sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và các quốc gia Nam bán cầu.
Hơn nữa, có những vấn đề căng thẳng do chủ trương chiến lược và sự can dự của NATO tạo ra. Chính Thủ tướng Hungary Viktor Orban và một số lãnh đạo khác cho rằng tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ không làm thay đổi lớn cục diện chiến trường, “Nga rất khó bị đánh bại” và xung đột càng khốc liệt hơn trong vài tháng tới, giải pháp ngừng bắn càng trở nên xa vời.
Ukraine, Nga và cả châu Âu đều bị tổn thất nặng nề, về nhiều mặt. Châu Âu càng phụ thuộc vào Mỹ hơn. “Ngư ông đắc lợi” chính là các nhà tài phiệt, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ. Do đó, giải pháp chấm dứt xung đột không chỉ phụ thuộc vào Nga, Ukraine mà chịu ảnh hưởng rất lớn, có thể là quyết định, từ Mỹ, NATO, phương Tây.
Nga và Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, gay gắt đối với nhiều nội dung trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024. Nga theo dõi chặt chẽ và chắc chắn sẽ có đối sách thận trọng, hiệu quả, tương ứng với quyết định, hành động của NATO. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, NATO không ủng hộ đối thoại và bản thân liên minh là một công cụ đối đầu. Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin nói Nga sẽ không tham gia hội nghị hòa bình Ukraine lần hai.
Ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố, Bắc Kinh lên án và phản đối mạnh mẽ Tuyên bố chung NATO, vì mang nặng tính hiếu chiến, “chứa đầy thành kiến, bôi nhọ và khiêu khích”. Tuyên bố và hành động của NATO càng làm gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỗi quốc gia có thể có góc nhìn khác nhau, ngả theo bên này, bên kia hoặc trung dung. Nhưng đa số quốc gia và người dân có phần lo lắng, bi quan hơn, bởi nhiều quyết định, hành động “đổ thêm dầu vào lửa”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-nato-nam-2024-va-nhung-van-de-nong-cua-the-gioi-278496.html