Việc Liên minh châu Âu và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) họp thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ có thể muộn, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Liên minh châu Âu và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh họp thượng đỉnh đầu tiên sau 35 năm thiết lập quan hệ. (Nguồn: X) |
Hội nghị ngày 16/10 tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ có sự tham dự của Hoàng Thái tử Saudi Arabia, Quốc vương Qatar cùng lãnh đạo Kuwait và Bahrain. Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại lần lượt đại diện cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman tham dự Hội nghị.
Về phía chủ nhà, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu tham dự Hội nghị. Tổng thống Pháp cùng lãnh đạo một số nước thành viên chủ chốt trong EU cũng góp mặt. Thủ tướng Đức có “lịch trình từ trước” tại quê nhà, không tham dự.
Theo Hội đồng châu Âu, Hội nghị là dịp để các quốc gia EU “thiết lập quan hệ đối tác gần gũi hơn với GCC và thành viên, hiện là đối tác địa chiến lược trong bối cảnh địa chính trị thách thức hiện nay”.
Nhiều lợi ích chung
Không khó để thấy cụm từ “bối cảnh địa chính trị thách thức” ám chỉ xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas. Một mặt, hai điểm nóng này khiến châu Âu phải tìm lời giải cho bài toán năng lượng cùng lạm phát tăng cao. Ở chiều ngược lại, Trung Đông đối mặt với nguy cơ xung đột lan rộng, với tình hình tại Lebanon là ví dụ tiêu biểu. Đó là chưa kể tới loạt vấn đề chung mà hai bên phải giải quyết như xử lý quan hệ với nước lớn, ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng và khủng bố.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine, EU đã tăng cường hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh. Ngoài ra, thời gian qua, Qatar, Saudi Arabia và UAE đã đóng vai trò trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine với hiệu quả nhất định – châu Âu rõ ràng mong muốn duy trì các nỗ lực như vậy, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các thành viên GCC và EU. Đồng thời, các nước vùng Vịnh có thể đóng vai trò tích cực hơn để kết thúc xung đột ở Dải Gaza, khôi phục ổn định cho tuyến đường hàng hải qua Biển Đỏ, góp phần cải thiện lạm phát và nhập cư bất hợp pháp tại nhiều quốc gia châu Âu.
Ở chiều ngược lại, GCC mong muốn mở rộng hợp tác với EU trong nhiều lĩnh vực, với năng lượng là mũi nhọn. Từ đó, các nước có thể đa dạng hóa quan hệ hơn nữa bên cạnh hợp tác với Nga, Mỹ hay Trung Quốc. Ngoài ra, châu Âu có thể chủ động và công khai hơn trong việc ủng hộ nỗ lực của các quốc gia vùng Vịnh nhằm kiểm soát, tránh để xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Hiện thực hóa chiến lược
Tuy nhiên, đạt được những lợi ích như thế nào là không đơn giản. Dù có quan hệ chính thức từ năm 1989, hợp tác EU – GCC chỉ thực sự có bước tiến sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Tại thời điểm đó, ngoại trưởng và quan chức đối ngoại hai khối nhất trí về Nghị trình hợp tác chung 2022-2027 (cập nhật gần nhất là tháng 10/2023), tập trung thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, sáng kiến giao lưu nhân dân và chống khủng bố.
Kể từ đó, quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ. Tháng 5/2022, EU và Cao ủy về chính sách đối ngoại ban hành “Quan hệ đối tác chiến lược với vùng Vịnh”. Tháng 6/2023, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về khu vực này.
Trên cơ sở đó, tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, hai bên dành ưu tiên cho một số mối quan tâm chung. Thương mại chắc chắn là nội dung nổi bật. Năm ngoái, EU đã tìm cách nối lại đàm phán với GCC về hiệp định thương mại tự do, khởi động từ năm 1989 song đã đóng băng năm 2008. Song, rào cản cũ vẫn còn đó – nhiều quốc gia vùng Vịnh từ chối các điều khoản do EU đề xuất về vấn đề lao động, tiêu chuẩn môi trường hay quá trình mua bán tài sản của chính phủ. Mặc dù vậy, với động lực mới từ Saudi Arabia, Hội nghị này có thể sẽ mang tới những kết quả tích cực hơn.
Thượng đỉnh EU-GCC lần đầu tiên diễn ra tại Brusells, Bỉ, ngày 16/10. (Nguồn: Doha News) |
Về địa chính trị, mọi thứ có phần phức tạp hơn. GCC muốn EU xác nhận rằng chính sách vùng Vịnh dưới thời Cao ủy về chính sách đối ngoại Josep Borell sẽ được người kế nhiệm Kaja Kallas duy trì. Họ lo ngại cựu Thủ tướng Estonia có lập trường quá cứng rắn với cả Nga và Trung Quốc, đối tác quan trọng của GCC. Bởi lẽ, vùng Vịnh rất chú trọng quan hệ với Moscow, dù là phối hợp chính sách về dầu mỏ, mở rộng cơ hội giảm thiểu thiệt hại từ lệnh trừng phạt của phương Tây, hay tận dụng cơ hội từ Nga để tăng cường vị thế ở Trung Đông và châu Phi.
Ở chiều ngược lại, một số quốc gia châu Âu có thể dùng Hội nghị để truyền tải thái độ cứng rắn với Nga. Thứ nhất, châu Âu sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine, bất chấp kết quả bầu cử Mỹ. Thứ hai, theo họ, Moscow là đối thủ cạnh tranh với vùng Vịnh trong thị trường năng lượng, đặc biệt là tại châu Á. Thứ ba, EU muốn thuyết phục GCC rằng Nga, thông qua quan hệ quân sự với Iran, là đối tác không đáng tin cậy, có thể đẩy các bên tại Hội nghị vào tình thế khó xử.
Cuối cùng, tình hình tại Trung Đông sẽ không thể thiếu trong nội dung thảo luận tại Hội nghị. Hiện cả EU và GCC đều nhất trí chỉ trích cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023, cũng như chiến dịch quân sự quy mô của Israel tại Dải Gaza và Lebanon.
Dù vậy, châu Âu có thể bày tỏ sự ủng hộ hơn nữa với vai trò trung gian hòa giải của vùng Vịnh, nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn ở Gaza, Lebanon và giải pháp hai nhà nước Palestine. EU cũng có thể kêu gọi GCC tích cực trao đổi hơn với Iran, tìm kiếm những lợi ích và giá trị chung, bao gồm mong muốn chấm dứt xung đột Israel-Hamas và cải thiện tình hình Lebanon.
Tuy nhiên, nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu này phụ thuộc không nhỏ vào ý chí chính trị của lãnh đạo EU và các nước GCC tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-eu-gcc-muon-con-hon-khong-290437.html