Đến dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và lãnh đạo của các Vụ thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản với 77 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 19 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật làm việc với VCCI, một số cơ quan, Đoàn đại biểu Quốc hội và một số địa phương tổ chức Hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động để hoàn thiện dự thảo luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp thứ 36, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện hồ sơ và đưa ra thảo luận tại Hội nghị ngày hôm nay.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu trao đổi thẳng thắn những vấn đề các đại biểu thấy còn bất cập, những vấn đề cần rà soát để đảm bảo khả thi, tập trung vào các vấn đề lớn của dự thảo luật, các vấn đề còn có nhiều ý kiến tham gia và có 2 nội dung có 2 ý kiến khác nhau.
Phát biểu tại cuộc họp, sau khi nghiên cứu dự thảo luật, các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đã rất nỗ lực trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Tham gia xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai – Đắk Nông thông tin, từ thực tiễn công tác tại địa phương, một địa phương hiện nay đang rất vướng mắc trong vấn đề quy hoạch khoáng sản, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định tại Điều 14 dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản về căn cứ quy hoạch khoáng sản là “Thực trạng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương tại khu vực có tiềm năng khoáng sản quy hoạch”. Theo đại biểu, vì trong thời gian vừa qua quy hoạch khoáng sản như bô-xít đã ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Việc lập quy hoạch chưa bám sát tình hình phát triển, còn chồng lấn với quy hoạch khác gây ách tắc cho sự phát triển.
Đại biểu Mai đề nghị bổ sung thêm một điểm trong nội dung quy hoạch khoáng sản là “đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường, so sánh chi phí, lợi ích giữa việc lựa chọn vị trí, quy mô các khu vực có tiềm năng quy hoạch, khai thác khoáng sản so với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội khác để làm cơ sở lựa chọn quy mô, diện tích khu vực quy hoạch khoáng sản cho phù hợp”.
Về quyền lợi, trách nhiệm của các địa phương, cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên, địa chất khoáng sản được khai thác theo Điều 9 của dự thảo luật. Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Hoà Bình cơ bản tán thành với những bổ sung của dự thảo luật về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cá nhân, cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản khai thác. Quy định này góp phần tăng cường sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, so với Điều 5 luật hiện hành, dự thảo luật không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và hiện nay dự thảo luật quy định trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản trong bảo vệ môi trường tại Điều 62. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định mức tối thiểu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với các địa phương nơi thực hiện khai thác khoáng sản.
Tham gia góp ý về những hành vi bị cấm quy định tại Điều 10. Tại khoản 6 quy định “Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị quý hiếm”. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Thừa Thiên Huế phân tích, ở đây cụm từ “khoáng sản có giá trị quý hiếm” chưa được giải thích, khoáng sản có giá trị quý hiếm là như thế nào và bao gồm những loại nào. Vì vậy, đại biểu nghị bổ sung giải thích từ ngữ vào Điều 3 để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trong quá trình áp dụng vào thực tế, tránh việc tùy tiện áp dụng không đúng, gây khó khăn.
Đối với nội dung về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản, Điều 55. Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đồng Tháp cho rằng nên duy trì hội đồng này, “vì hội đồng này là hội đồng của nhà nước thành lập, từ lâu rồi không có đánh giá, không có gì bất cập mà tự nhiên xóa hội đồng này, giao cho hoạt động xã hội hóa hội đồng tôi nghĩ không hay lắm, vì tài nguyên khoáng sản là tài nguyên của quốc gia, nhà nước độc quyền quản lý cho nên cần phải có hội đồng của nhà nước để đánh giá, tất nhiên, cũng phải đảm bảo có sự khách quan” – đại biểu Hoà nói.
Đồng thời, đại biểu đề nghị trong hội đồng này có nhiều thành phần, thậm chí mời cả doanh nghiệp và các chuyên gia, chuyên ngành tham gia để họ biết, họ đánh giá trữ lượng của loại khoáng sản nào, ra làm sao để tổ chức triển khai và thực hiện cũng như khai thác làm sao cho có hiệu quả.
Đối với vấn đề khai thác khoáng sản nhóm 4 theo Điều 76 và Điều 77 quy định việc đăng ký khoáng sản của nhóm 4. Đại biểu Hoà cho rằng đây là một nội dung mới, một cách cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính so với hiện hành, đặc biệt đây là nhóm khoáng sản có công nghệ khai thác đơn giản, có tính đặc thù phục vụ cho công trình, dự án quan trọng của của địa phương. Đại biểu lưu ý những loại này giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với khả năng, vì theo đề xuất của một số đại biểu khi giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ không đủ khả năng vì Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không đủ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tốt hơn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật.
Các ý kiến phát biểu cũng nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng đây là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu giải trình, thuyết phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật và các tài liệu theo đúng quy định trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-thao-luan-du-an-luat-dia-chat-va-khoang-san-379007.html