(TN&MT) – Thay mặt cho Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung có nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề cập tới trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Trong đó, các đại biểu Quốc hội tập trung một số nội dung về Chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản; Quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một tổ chức; Quản lý các nhóm khoáng sản; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Nghe các ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp rất nhiều ý kiến, trách nhiệm, tâm huyết, cụ thể, chi tiết, trong đó bày tỏ sự đồng thuận cao với nhiều nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo xin ý kiến các vị đại biểu được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình.
Thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra xin nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và có báo cáo giải trình đầy đủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét để thông qua dự án Luật này.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung có nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề cập tới trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan soạn thảo xin tiếp thu hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng giải thích từ ngữ trong các khoản của điều này và biên tập sao cho dễ hiểu, thống nhất trong các điều Luật có sử dụng đến các giải thích đó.
Xây dựng chính sách riêng để quản lý các loại khoáng sản chiến lược
Về phân nhóm khoáng sản. Đây là nội dung từ kỳ họp trước đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến và hiện nay trong dự thảo Luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đồng tình với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu, đó là tuy cùng một nhóm như khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế khác nhau. Ví dụ như cùng là khoáng sản kim loại Nhóm I, thì khoáng sản chiến lược có đất hiếm, vonfram; hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít, titan…. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng cùng một nhóm khoáng sản loại I mà quy định chi tiết trong Luật đến cả danh mục ví dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phát hiện thêm các loại khoáng sản mới theo xu thế của thế giới hoặc tùy theo yêu cầu quản lý, sử dụng của đất nước trong từng giai đoạn, “ hôm nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng ngày mai lại trở thành khoáng sản chiến lược, như vậy sẽ dẫn đến khó trong việc điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này” – Bộ trưởng Duy dẫn chứng. Cho nên Chính phủ đã đề xuất trong Luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết. Bộ trưởng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận với quan điểm này, như thế vừa đảm bảo linh hoạt, vừa đảm bảo có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Báo cáo thêm với các đại biểu Quốc hội, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo Luật, mà hiện nay cấp có thẩm quyền cũng cho chủ trương cần phải xây dựng Chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược này. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này.
Ngoài ra, đề cập tới khoáng sản nhóm 4 làm vật liệu xây dựng, san lấp Bộ trưởng thống nhất với các đại biểu cần có phương thức quản lý sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản về quy trình, thủ tục hành chính.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc cho địa phương
Về nội dung liên quan đến quy hoạch khoáng sản. Qua ý kiến phát biểu thảo luận, đa số các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận với phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thống nhất với Chính phủ đã trình trong dự thảo lần này. Đó là:
Thứ nhất, về phân công cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản giao cho Chính phủ quy định. Việc này theo tinh thần của Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 158/2016. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng việc quy định như vậy đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong quản lý, điều hành, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau.
Bởi vì, mục tiêu cuối cùng là phân công như thế nào để việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phải được tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về khoáng sản. Nhưng quan trọng hơn nữa là quy hoạch được phê duyệt phải bảo đảm chất lượng, tránh những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, các đại biểu đồng thuận với việc cần có điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, trong trường hợp điều chỉnh cục bộ thì theo trình tự, thủ tục rút gọn và giao cho Chính phủ quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là quy định hết sức cần thiết, đặc biệt với quy hoạch khoáng sản khi trong nhiều trường hợp do đã lập quy hoạch dựa trên số liệu điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản nhưng trong quá trình thăm dò và khai thác có thể số liệu thay đổi.
Đối với một số ý kiến liên quan đến bất cập của quy hoạch bôxít hiện nay mà các đại biểu Quốc hội nêu. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với khó khăn của các địa phương do đang gặp phải những vướng mắc của quy hoạch bôxít.
Điều này cho thấy rằng đối với các loại khoáng sản đặc thù như bôxít, titan phân bố rất rộng, chiều sâu không lớn cần phải đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng nhất là các yếu tố tác động khi tổ chức lập quy hoạch, để tránh khi quy hoạch được phê duyệt rồi lại có vướng mắc liên quan đến các hoạt động kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay quy hoạch bôxít nằm trong quy hoạch khoáng sản Việt Nam được phê duyệt năm 2023, và Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì lập quy hoạch này.
Hiện nay Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó không chỉ giao Bộ Công Thương mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, xác định những vị trí không thực sự phù hợp hoặc trữ lượng khoáng sản không lớn để có thể đưa ra khỏi quy hoạch bảo đảm cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội khác.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, đây cũng thể hiện việc phân công, phân cấp cũng như phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hoạt động khoáng sản, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo thực hiện theo đúng tinh thần tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.
Liên quan đến trách nhiệm hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc đóng góp kinh phí để nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, đây là quy định được kế thừa từ Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 158.
Qua ý kiến phát biểu, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải bổ sung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 quy định về nội dung này. Tuy nhiên, một số vị đại biểu Quốc hội có đề nghị cần quy định một tỷ lệ đóng góp nhất định, ví dụ như dựa trên doanh thu.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy báo cáo rõ hơn với Quốc hội và các đại biểu Quốc hội: Tại luật năm 2010 và Nghị định 158 đã quy định trách nhiệm này và đã quy định tại Nghị định 158 về chi phí hỗ trợ cho địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng được hạch toán vào chi phí sản xuất và trên thực tế đã thực hiện như vậy.
Tuy nhiên, Luật không quy định rõ thẩm quyền cơ quan nào sẽ quy định nghĩa vụ hỗ trợ đóng góp cho địa phương. Do đó, trong dự thảo Luật lần này sẽ thiết kế căn cứ vào tình hình hoạt động khoáng sản thực tế tại địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình bảo vệ môi trường.
Việc quy định như thế là phù hợp và bảo đảm linh hoạt, bởi vì không phải hoạt động khoáng sản nào cũng có tác động giống nhau. Ví dụ, các hoạt động về khai thác đá hay khai thác quặng kim loại thường sử dụng xe tải trọng lớn và tác động rất nhiều đến hệ thống các công trình giao thông ở khu vực có hoạt động khoáng sản và tác động đến môi trường. Đây là 2 nội dung thường xuyên các địa phương được nhân dân phản ánh đối với các hoạt động khoáng sản.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy báo cáo làm rõ thêm và mong muốn các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận với nội dung thiết kế trong dự thảo của điểm d khoản 1 Điều 8 như hiện nay, như thế sẽ đảm bảo tính linh hoạt, nếu đưa ra một quy định cụ thể có thể sẽ khó khăn.
Trong trường hợp cần thiết, sẽ kiến nghị Quốc hội có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết khoản này sẽ đảm bảo sự linh hoạt của Chính phủ, như trước đây Chính phủ đã quy định trong Nghị định 158 nhưng vì không rõ thẩm quyền nên các địa phương khó khăn trong quá trình thực hiện.
Luật đảm bảo an ninh, môi trường, văn hoá, kinh tế – xã hội
Nội dung thứ năm, liên quan đến khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện nay, trong dự thảo luật đang thiết kế là do Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở các địa phương tổ chức lập và gửi xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành khác.
Việc Quy định khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản không chỉ liên quan, chi phối đến hoạt động khoáng sản mà còn liên quan đến các vấn đề về môi trường sinh thái, về các hoạt động kinh tế khác, như liên quan đến khu du lịch quốc gia, các khu di tích lịch sử quốc gia và đặc biệt là yếu tố về quốc phòng, an ninh.
Thực tiễn cho thấy trong nhiều trường hợp không phải khi nào các cơ quan chuyên môn ở địa phương cũng biết được hết các yếu tố tác động đến một khu vực nào đó. Cho nên, quy định như trong dự thảo hiện nay là Thủ tướng Chính phủ quyết định dựa trên ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan, chúng tôi phù hợp với điều kiện thực tiễn và thực tế quyết định này nhiều năm mới ban hành một lần, cho nên không phải là nội dung thay đổi thường xuyên dẫn đến vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ.
Liên quan đến thời gian cấp giấy phép. Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định hiện nay về thời gian cấp giấy phép là 30 năm và có thể được gia hạn tối đa 20 năm là 50 năm thì còn ngắn, có thể mở rộng hơn. Về nội dung này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy báo cáo Quốc hội, quy định về thời gian như vậy sẽ cộng cả thời gian cấp giấy phép lần đầu và thời gian gia hạn giấy phép tối đa là 50 năm, bằng với thời gian của dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư. Còn pháp luật về Luật Đầu tư có quy định trong một số trường hợp các dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, ở những địa bàn đặc biệt khó khăn thì có thể kéo dài thời gian đến 70 năm.
Vấn đề thứ hai, thời gian cấp giấy phép khoáng sản một mặt là để thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư khai thác chế biến nhưng đồng thời phải tính toán để giảm thiểu tác động không tích cực đến các hoạt động kinh tế – xã hội khác như các dự án phát triển kinh tế – xã hội, đời sống sản xuất của nhân dân.
Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới và thấy rằng các nước phát triển quy định rất chặt chẽ, thậm chí như Hoa Kỳ là không quá 10 năm. Do đó, kiến nghị với Quốc hội được giữ nguyên như quy định trong dự thảo hiện nay.
Phòng ngừa đầu cơ khoáng sản
Liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, bản chất của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đó là khi khoáng sản nằm trong lòng đất là tài nguyên quốc gia, là sở hữu toàn dân và khi đưa ra khỏi vị trí trong lòng đất để đưa sang các hoạt động chế biến, kinh doanh, khi đó sẽ chuyển từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của tổ chức, cá nhân, là sở hữu riêng.
Thông lệ quốc tế, tiền cấp quyền chính là khoản tiền tổ chức, cá nhân phải đóng góp cho Nhà nước để chuyển dịch quyền sở hữu này.
Còn theo pháp luật về thuế và thực tế thực hiện từ năm 2016 đến nay theo luật năm 2010 và Nghị định 158, cũng không có vướng mắc.
Bên cạnh đó, tiền cấp quyền chính là cơ sở để quyết định việc đấu giá, quyền khai thác khoáng sản chính là dữ liệu đầu vào để thực hiện. Cho nên cơ quan soạn thảo nghiên cứu thấy rằng quy định duy trì việc tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như hiện nay là phù hợp và tránh các tình trạng đầu cơ, khi được cấp lại giữ lại ở đó.
Đối với các nội dung khác, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua đảm bảo dự thảo Luật sẽ giảm thủ tục hành chính, có sự thay đổi về khoa học – công nghệ, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến hay có những sự thay đổi về việc điều tra, đánh giá trữ lượng tài nguyên.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-lam-ro-cac-y-kien-xay-dung-du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-cua-dai-bieu-quoc-hoi-382761.html